Ảnh hưởng của chi phí chìm đến quyết định kinh doanh


Trong kinh tế học, chi phí (CP) chìm là một khoản CP đã được thanh toán và không thể phục hồi. Theo mô hình thông tin thích hợp cho việc ra quyết định được đề cập trong kế toán quản trị (KTQT) thì CP chìm là thông tin không thích hợp nên không được sử dụng khi ra quyết định. Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều nhà quản lý vẫn rơi vào bẫy của CP chìm, tức là vẫn xem xét CP chìm của một hoạt động thay vì các CP và lợi ích trong tương lai khi quyết định có nên tiếp tục một hoạt động nào đó.

Bài viết cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về ảnh hưởng của CP chìm đến việc ra quyết định, lý giải vì sao CP chìm lại có tác động mạnh mẽ như vậy và từ đó giới thiệu các chiến lược, nhằm giúp nhà quản lý tránh rơi vào bẫy của CP chìm.

Rõ ràng, CP chìm là một khoản tiền đã tiêu và sẽ không được nhận lại, bất kể kết quả tương lai ra sao. Nó giống như chiếc thẻ thành viên câu lạc bộ thể dục đã mua, cho dù có nhận được lợi ích từ nó hay không thì số tiền cũng đã biến mất và không có cách nào để lấy lại tiền. Nhưng CP chìm không chỉ là tiền bạc, nó có thể là thời gian hay công sức đã bỏ ra. Ai trong chúng ta cũng từng là nạn nhân của CP chìm khi cố gắng ăn một món rất dở vì đã lỡ mua nó hay cứ cố xem một bộ phim chẳng hay ho gì vì đã trót xem nó hơn 1 giờ rồi, hoặc không muốn từ bỏ một mối quan hệ đã trở nên tồi tệ vì đã dành nhiều công sức duy trì nó… Sai lầm của việc sử dụng CP chìm khi ra quyết định dẫn đến nhiều khả năng một cá nhân hay tổ chức vẫn tiếp tục thực hiện một hoạt động mà họ đã đầu tư tiền bạc, thời gian hay công sức. Khoản đầu tư đã bỏ ra càng lớn thì nhiều người có xu hướng càng đầu tư nhiều hơn nữa, ngay cả khi lợi nhuận của khoản đầu tư tăng thêm không là bao.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, rất nhiều người cảm thấy khó khăn để bỏ qua CP chìm khi ra quyết định. Kahneman và Tversky đưa ra 2 tình huống khảo sát như sau: Tình huống thứ nhất, bạn đi xem một bộ phim với giá vé 10 USD nhưng khi mở ví ra bạn phát hiện  bị mất 10 USD. Bạn có tiếp tục mua vé không? Tình huống 2, bạn đi xem phim và đã bỏ ra 10 USD mua vé, nhưng ngay sau đó bạn đã làm mất vé. Vậy bạn có mua vé khác không? Kết quả là, chỉ có 12% người được hỏi ở tình huống đầu sẽ không mua vé nữa trong khi có tới 54% người quyết định không mua vé ở tình huống sau. Hai tình huống là như nhau, bạn đã bị mất 10 USD rồi phải trả thêm 10 USD nữa để xem phim, nhưng dường như kịch bản 2 khiến người ta đau lòng hơn, mất 20 USD cho cùng 1 chiếc vé. Vì vậy, số người đưa ra lựa chọn không mua vé nữa nhiều hơn, cho dù họ đã đến rạp và đó là bộ phim họ yêu thích.

Giáo sư Đại học Ohio, Hal Arkes và cộng sự Catherine Blumer đã tiến hành một thử nghiệm, trong đó yêu cầu các đối tượng quyết định có nên đầu tư 1 triệu đô la cho  dự án sản xuất máy bay có khả năng vượt qua tầm kiểm soát của radar thông thường. Một nhóm đối tượng khảo sát nhận được thông tin rằng, dự án đã hoàn thành 90% nhưng có một đối thủ cạnh tranh gần đây đã bắt đầu tiếp thị một phiên bản tốt hơn của loại máy bay này. Họ phải quyết định có nên chi tiêu thêm hơn một triệu đô la cần thiết để hoàn thành dự án. Một nhóm khác phải đối mặt với một quyết định tương tự liên quan đến dự án máy bay. Tuy nhiên, họ không được thông báo về tình trạng hiện tại của dự án (đã hoàn thành 90%). Họ chỉ đơn giản là quyết định xem có nên đầu tư 1 triệu USD vào dự án này không? Kết quả cho thấy, 41/48 đối tượng đã quyết định tiếp tục đầu tư khi biết dự án đã hoàn thành 90%. Nhưng chỉ có 10/60 người quyết định đầu tư khi họ không biết gì về các đầu tư trước. Những kết quả này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng CP chìm thực sự đóng một vai trò trong quá trình ra quyết định.

Sự sai lầm của CP chìm đôi khi còn được gọi là sai lầm Concorde khi được mô tả như là một sự leo thang của cam kết. Dự án Concorde, bắt đầu vào năm 1962, là dự án sản xuất máy bay siêu âm thương mại đầu tiên được thực hiện bởi hãng hàng không của 2 nước Anh và Pháp do Chính phủ hậu thuẫn.  CP để phát triển dự án Concorde là 1.134.000.000 £. Số tiền bỏ ra để chế tạo 16 chiếc Concorde thương mại là 654.000.000 £  trong đó chỉ có 278.000.000 £ được thu hồi thông qua doanh số bán hàng. Sau khi mất một lượng đáng kinh ngạc về tiền bạc, công sức và thời gian mà họ vẫn không muốn bỏ cuộc. Dự án này kéo dài hơn 4 thập kỷ. Chính sự leo thang của cam kết cho một quá trình hành động chỉ vì đầu tư quá khứ có thể ngăn chặn sự thay đổi cần thiết và hạn chế sự đổi mới. Tiếp tục một hoạt động chỉ vì đã đầu tư trước đó, được xem như là hành vi không hợp lý để đạt kết quả tốt nhất. Đó là sự lãng phí nguồn lực trong kinh doanh, công việc xã hội và kinh tế.

Tại sao chúng ta không bỏ qua CP chìm khi ra quyết định?

Theo các nhà tâm lý học, khi gặp tổn thất, cá nhân thường xem các quyết định đầu tư tiếp theo là cơ hội cải thiện kết quả trong quá khứ. Họ nghĩ rằng, nếu không tiếp tục đầu tư chắc chắn họ sẽ mất khoản tiền đã bỏ ra và như vậy là lãng phí tiền bạc, áp lực này khiến họ cứ mải miết theo đuổi các cơ hội đầu tư mạo hiểm.

Một giải thích khác, được các nhà tâm lý học chỉ ra, đó là: Khi cá nhân đưa ra một quyết định mà họ nghĩ là có lợi cho tổ chức nhưng kết quả đạt được ngược lại, thì họ thường tìm cách hợp lý hóa hành động trong quá khứ, bằng cách cam kết duy trì hoạt động đầu tư bất chấp kết quả nghèo nàn. Hành động này, được xem như là cơ hội để giải quyết sự bất hòa của nhận thức cá nhân và là cách để duy trì niềm tin về quyết định ban đầu của họ. Điều này cũng dẫn đến sự thiên vị trong phân tích thông tin ra quyết định. Nghiên cứu thực nghiệm chứng minh rằng, khi theo đuổi quá trình đầu tư, cá nhân thường tập trung vào các dữ liệu hỗ trợ cho quyết định ban đầu mà bỏ qua các thông tin phản hồi tiêu cực. Bên cạnh đó, cá nhân thường có ý thức trách nhiệm mạnh mẽ từ việc xem xét các hành động trong quá khứ. Kết quả là họ luôn tìm cách giữ vững tình trạng công ty ngay cả khi phải đối mặt với những phản hồi tiêu cực. Cách giải thích này dường như phù hợp với hành vi đầu tư, đặc biệt là mua bán công ty. Một nghiên cứu của giáo sư tài chính Michael Weisbach - ĐH Illinois về chiến lược giảm bớt hoạt động (bán bớt công ty) cho thấy các nhà quản lý cố thủ sẽ giữ được các đơn vị kinh doanh của họ, trong khi đó CEO mới có nhiều khả năng thoái vốn tại các bộ phận đang gặp khó khăn. Các CEO mới, tất nhiên, không bị gánh nặng của CP chìm.

Cuối cùng, văn hóa tổ chức có thể khuyến khích hiệu quả CP chìm. Cá nhân trong một nền văn hóa nhất định, có thể coi trọng sự bền bỉ và kiên trì. Chúng ta thường nghe các nhà lãnh đạo công ty hô hào nhân viên của họ chứng minh thái độ “Có thể làm, không bao giờ bỏ cuộc”. Kết quả là, thật không may, các cá nhân kiên trì với hoạt động không mang lợi nhuận. Văn hóa này cũng có thể không khuyến khích cá nhân thừa nhận sai lầm. Họ có thể không cắt lỗ vì lo sợ bị đổ lỗi cho thất bại và bị sa thải.

Làm thế nào để tránh được bẫy của CP chìm?

Các nhà quản trị điều hành trong các ngành công nghiệp đã chia sẻ những ý tưởng để tránh xa cái bẫy này, thừa nhận sai lầm của mình và tiến bước trên con đường mới. Chúng ta hãy xem xét 4 chiến lược chính mà họ sử dụng:

1.       Phát động cuộc trò chuyện phủ đầu

Nhà quản lý cần phải có một cuộc trò chuyện sâu sắc với các thành viên về các kịch bản có thể xảy ra, trong đó có tình huống yêu cầu họ phải cắt lỗ trước khi phải gánh chịu CP chìm khá lớn. Nói cách khác, hãy nghĩ về các kịch bản khi bạn vẫn có thể suy nghĩ rõ ràng, không có đám mây CP chìm che mờ sự suy xét của bạn.

2.       Tạo sự căng thẳng mang tính xây dựng

Trong một số tổ chức, để chống lại tác động của CP chìm, các nhà lãnh đạo đã tạo ra một sự căng thẳng tự nhiên, mang tính xây dựng tồn tại giữa những người giữ các chức vụ khác nhau trong công ty. Họ xây dựng một hệ thống kiểm tra và cân bằng hoặc xung đột sáng tạo. Chẳng hạn, trong một dự án, giám đốc sản xuất tập trung vào việc đảm bảo thiết kế sản phẩm tốt nhất. Trong khi đó, giám đốc phát triển tập trung quản lý dự án theo đúng ngân sách, tiến độ, …  và họ có thể xung đột. Sự xung đột này là cần thiết, để đánh giá dự án tại các giai đoạn khác nhau và sẵn sàng loại bỏ dự án đi lạc hướng. 

3.       Tạo ra các lựa chọn thay thế

Thông thường, chúng ta hay đưa ra lựa chọn “quyết định đi hay không” hơn là phác thảo ra một loạt các tùy chọn. “Đi hay không” chỉ đơn giản là 2 mặt của một đồng xu, nó không đại diện cho nhiều lựa chọn thay thế. Chính điều này làm trầm trọng thêm hiệu ứng của CP chìm. Vậy nên, nhà quản lý cần xem xét và đánh giá một loạt các phương án khác nhau, để mạnh dạn cắt lỗ và tiến lên phía trước.

4.        Xác định CP cơ hội

Thông thường, chúng ta chỉ xem xét các CP tài chính hữu hình và lợi ích của việc tiếp tục một phương án đã chọn. Trên hết, chúng ta thường cân nhắc CP chìm nhưng không đánh giá các CP cơ hội. Bằng cách, cố bám vào phương án đã chọn trước đó, một tổ chức đã vô tình từ bỏ các lợi ích khác có thể mang lại từ nguồn lực vật chất, tài chính và nhân lực hiện có. Nếu một công ty phải vật lộn với quyết định gạt bỏ một đơn vị kinh doanh đang gặp khó khăn, điều nên làm lúc này là cố gắng xác định CP cơ hội của việc tiếp tục các nỗ lực cải tổ. Đây mới chính là thông tin thực sự hữu ích cho việc đưa ra quyết định. Lưu ý rằng, CP cơ hội không chỉ là tài chính đơn thuần mà còn liên quan đến thời gian, tài năng của nhân viên và sự chú ý của nhà đầu tư.

Ra quyết định vốn là một chức năng cơ bản của người quản lý, đồng thời cũng là nhiệm vụ phức tạp và khó khăn nhất của họ. Trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh, người quản lý luôn phải đối diện với việc phải đưa ra các quyết định ở nhiều dạng khác nhau. Vì thế, họ cần nhiều nguồn thông tin hỗ trợ cho việc ra quyết định, trong đó có thông tin KTQT. Trong nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, hệ thống thông tin kế toán hầu hết bị bao phủ và thống trị bởi thông tin kế toán tài chính, thì tính hữu ích của thông tin KTQT cần được đề cao để chứng minh, bổ sung tốt hơn cho các quyết định quản lý. Thông tin hữu ích cho việc ra quyết định phải là thông tin thích hợp. Những thông tin không thích hợp như CP chìm sẽ được nhân viên KTQT xác định và loại bỏ trước khi cung cấp cho nhà quản lý để giúp họ không rơi vào bẫy của nó. Như vậy, việc nhận diện và loại bỏ CP chìm khi ra quyết định, trước hết phải xuất phát từ nhận thức của chính những nhà quản lý nhưng KTQT sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho họ./.

 

Tài liệu tham khảo

  1. http://iveybusinessjournal.com/publication/cutting-your-losses-how-to-avoid-the-sunk-cost-trap/
  2. https://www.linkedin.com/pulse/sunk-cost-fallacy-throwing-good-money-after-bad-lee-crumbaugh
  3. http://youarenotsosmart.com/2011/03/25/the-sunk-cost-fallacy/
  4. http://www.sav.gov.vn/655-1-ndt/ung-dung-mo-hinh-phan-tich-thong-tin-thich-hop-lap-bao-cao-phan-tich-phuong-an-kinh-doanh.sav.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của Th.s Đặng Thị Tâm Ngọc ** Đại học Nha Trang

 

Xem thêm
Về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với kế toán và kiểm toán

Về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với kế toán và kiểm toán

Nghiên cứu trao đổi về Thông tư 200: Về kế toán hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản

Nghiên cứu trao đổi về Thông tư 200: Về kế toán hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản

Định hướng hoàn thiện hành nghề dịch vụ kế toán đáp ứng yêu cầu hội nhập trong điều kiện hiện nay

Định hướng hoàn thiện hành nghề dịch vụ kế toán đáp ứng yêu cầu hội nhập trong điều kiện hiện nay

Thiết kế hệ thống kiểm soát nội bộ để quản lý rủi ro trong doanh nghiệp và tổ chức ở Việt Nam

Thiết kế hệ thống kiểm soát nội bộ để quản lý rủi ro trong doanh nghiệp và tổ chức ở Việt Nam

Hội tụ kế toán quốc tế ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Hội tụ kế toán quốc tế ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh