Ảnh hưởng từ cách mạng công nghiệp 4.0 đến thông tin kế toán trong doanh nghiệp


Bài nghiên cứu đưa ra những nhận định về sự tác động đến chất lượng thông tin kế toán (TTKT) như sự chính xác, đầy đủ, tính minh bạch và độ tin cậy của TTKT từ những thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence); Điện toán đám mây (Cloud Computing) và Chuỗi khối (Blockchain). Việc ứng dụng công nghệ giúp tự động hóa trong quá trình nhập liệu, nâng cao tính chính xác cũng như đa dạng dữ liệu đầu vào. Vấn đề phân tích dữ liệu, lập báo cáo, kiểm soát rủi ro và bảo mật thông tin cũng trở nên tốt hơn, qua đó sẽ khiến chất lượng TTKT trở nên sâu rộng hơn, đa dạng hơn, kiểm soát tốt hơn và được chia sẻ dễ dàng hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, cũng còn những hạn chế đối với các doanh nghiệp (DN) khi bước đầu tiếp xúc và ứng dụng những công nghệ mới này vào hoạt động kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm trở lại đây, vai trò và tầm quan trọng của TTKT đối với DN ngày càng được nâng cao và trở thành một yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của DN, dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa hệ thống TTKT với quản trị DN. Đặc biệt là, khi sự phát triển của công nghệ thông tin ngày càng tác động mạnh mẽ đến việc quản trị DN nói chung và hệ thống TTKT nói riêng.

Tuy nhiên, khi thế giới bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ về thành tựu khoa học kỹ thuật, đã làm thay đổi sâu sắc về phương thức kinh doanh và nhu cầu thông tin của DN. Khi hệ thống TTKT hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của người ra quyết định như: Dữ liệu về năng suất và độ tin cậy thường mang tính tổng hợp chung, những hạn chế trong việc chỉ xử lý dữ liệu số mà thiếu các dữ liệu ngữ nghĩa, biểu tượng (văn bản) để đánh giá bối cảnh quan trọng và các biến khác liên quan đến các sự kiện kế toán (Daniel E. OLeary, 1991). Hiện nay, công nghệ kỹ thuật số cho phép người kế toán có thể quản lý các hoạt động hiệu quả hơn, linh hoạt hơn thông qua cơ sở của internet khi tất cả hoạt động đều trong thời gian thực và thông tin được chia sẻ ngay lập tức (Aysel Guney, 2014). Hệ thống điện toán đám mây còn giúp hoàn thành nhiều công việc khác nhau bao gồm kế toán, quản lý, giúp nhân viên và các bên liên quan truy cập vào các ứng dụng thông qua máy tính và thiết bị di động (Lobana, 2013). Với thành tựu công nghệ mới thì TTKT sẽ là những dòng dữ liệu tài chính theo thời gian thực thay vì dữ liệu trong quá khứ, công việc kiểm toán sẽ trở nên dễ dàng hơn, kế toán có thể phát hiện các thông tin sai sót, gian lận nhanh hơn giúp hạn chế rủi ro, đồng thời phân tích được xu hướng tài chính và đưa ra những khuyến nghị cho nhà quản lý theo thời gian thực.

2. Phương pháp

Bài nghiên cứu áp dụng phương pháp mô tả thông qua việc thu thập các tài liệu, bài nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây về điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Blockchain và tác động của chúng lên các hệ thống TTKT trong DN.

3. Hệ thống TTKT

Hệ thống TTKT là một hệ thống được thiết lập nhằm mục đích thu thập, xử lý và cung cấp thông tin tài chính cho các đối tượng bên trong và bên ngoài DN (Abdulqawi và Alshaefee, 2012). Ngày nay, hệ thống TTKT không chỉ liên quan đến các dữ liệu và thông tin tài chính mà còn liên quan đến cả những dữ liệu và thông tin phi tài chính, các đối tượng ra quyết định bao gồm cả những đối tượng bên trong và bên ngoài tổ chức  (Wilkinson và cộng sự, 2000).

Thống kê và nghiên cứu của các nhà nghiên cứu cho thấy rằng, các nhà quản lý thường nhận được thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác hoặc thông tin chính xác nhưng đã đến trễ và do đó vô dụng. Trên thực tế, các chuyên gia nói rằng hầu như không thể đạt được mức tối đa cho tất cả các phẩm chất của thông tin (Gelinas và Sutton, 2002). Bên cạnh đó, kế toán còn phải đối mặt với tình trạng quá tải thông tin, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm toán và kiểm soát nội bộ, nơi mà khối lượng và sự phức tạp của thông tin cần kiểm tra là rất lớn. Tương tự cho kế toán quản trị với khối lượng thông tin liên tục tăng cùng các chính sách của DN, các luật thuế phức tạp của nhà nước (Florin, 2007).

Theo các nghiên cứu của Rapina (2014), Sacer & Oluie (2013) thì chất lượng hệ thống TTKT có thể đạt được nếu các thành phần của nó hoạt động một cách đúng đắn và có chất lượng. Quan điểm này xem chất lượng của các thành phần của hệ thống TTKT là những nhân tố làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng của hệ thống TTKT. Trong đó, các thành phần này bao gồm: Phần cứng, phần mềm, con người, truyền thông và hệ thống mạng, dữ liệu. Trong đó, ngoài yếu tố con người thì các thành phần còn lại chủ yếu liên quan đến công nghệ thông tin.

Như vậy, hệ thống TTKT đang đối mặt với sự phức tạp và đa dạng cùng khối lượng thông tin khổng lồ, khiến cho việc chọn lọc, phân tích và cung cấp thông tin đang dần không đáp ứng được các yêu cầu của nhà quản trị. Bên cạnh đó, khả năng xảy ra sai sót, gian lận và dữ liệu bị điều chỉnh cũng như việc không tuân thủ những quy định của pháp luật khiến TTKT trở nên sai lệch và không đáng tin cậy.

4. Ứng dụng của điện toán đám mây (Cloud computing)

Điện toán đám mây (Cloud Computing), hay còn gọi là Điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet. Thuật ngữ "đám mây" ở đây là lối nói ẩn dụ chỉ mạng Internet (dựa vào cách được bố trí của nó trong sơ đồ mạng máy tính) và như một liên tưởng về độ phức tạp của các cơ sở hạ tầng chứa trong nó, ứng dụng thao tác các phần hành kế toán trực tuyến và kê khai thuế, là một trong những ví dụ điển hình trong việc ứng dụng điện toán đám mây.

Theo tác giả Abdullah Mohammad Al -Zoub (2017) thì bản chất sự tác động của điện toán đám mây đến các yếu tố cụ thể trong hệ thống TTKT trong DN được được trình bày cụ thể gồm: Thiết lập công tác tổ chức kế toán; Hoạt động tài chính; Tài liệu; Sổ sách kế toán; Báo cáo tài chính; Người dùng; Thủ tục; Phần mềm; Thiết bị vật lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi ứng dụng điện toán đám mây vào công tác kế toán cho phép DN tái tổ chức bộ máy kế toán theo hướng gọn nhẹ vì không bị ảnh hưởng bởi vị trí địa lý và trang thiết bị.Chất lượng TTKT được nâng cao nhờ tính kịp thời và tính chính xác cùng với sự hỗ trợ về xử lý và lập báo cáo theo thời gian thực. Các thông tin mua bán được gửi và nhận trực tiếp từ khách hàng và được xử lý tự động thông qua hệ thống điện toán đám mây. Thông tin được thiết lập một lần và chia sẻ trực tiếp đến các đối tượng trong và ngoài DN, đảm bảo sự minh bạch của thông tin trong khi hoạt động giao dịch giữa các bên diễn ra. Và cuối cùng là, tiết kiệm được các chi phí về phần cứng và phần mềm trong quá trình triển khai và cài đặt.

Theo nghiên cứu của Ayman Mohamed Zerban (2015) khi so sánh giữa DN có và không sử dụng công nghệ điện toán đám mây trong quá trình khôi phục dữ liệu do lỗi kỹ thuật cho thấy, những DN sử dụng công nghệ trong quá trình sao lưu và hồi phục (mất 2.1 giờ) nhanh hơn gấp 4 lần so với những DN không sử dụng (mất 8 giờ).

Hai tác giả Shaban Mohammadi và Ali Mohammadi (2014) trong nghiên cứu so sánh giữa kế toán dựa trên nền tảng đám mây và mô hình kế toán truyền thống, đã chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và rủi ro mà DN phải đối mặt khi ứng dụng điện toán đám mây trong công tác kế toán. Nghiên cứu đề cập đến những kỹ thuật điện toán đám mây được tích hợp với các ứng dụng trong kế toán, giúp nâng cao hiệu quả công tác kế toán như: Phân tích dữ liệu; Hệ thống chuyên gia; Công cụ hỗ trợ dự đoán; Phần mềm hỗ trợ ra quyết định; Phần mềm cung cấp việc kiểm tra liên tục. Những kỹ thuật này hỗ trợ DN trong việc phân tích thông tin, kiểm soát thông tin và hỗ trợ trong quá trình ra quyết định một cách thường xuyên, liên tục.

Các kết quả nghiên cứu từ các tác giả cho thấy, sự tác động tích cực khi ứng dụng điện toán đám mây vào công tác kế toán sẽ giúp tổ chức công tác kế toán hiệu quả hơn, dữ liệu kế toán được xử lý tự động và có thể chia sẻ trực tiếp đối các đối tượng liên quan theo thời gian thực, giúp tăng tính kịp thời, chính xác và tính minh bạch, dữ liệu được bảo vệ bởi những công ty công nghệ cao và khả năng khôi phục dữ liệu cũng tốt hơn. Ngoài ra, công nghệ điện toán đám mây còn có thể tích hợp những ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo, Blockchain nhằm đáp ứng được các yêu cầu về phân tích dữ liệu, bảo mật và kiểm soát rủi ro trong kế toán. Tuy nhiên, mặc dù ứng dụng kế toán trong môi trường điện toán đám mây đang được các công ty phần mềm kế toán triển khai và giới thiệu rộng rãi nhưng các DN vẫn chưa thực sự quan tâm đến công nghệ này vì một số khó khăn như: Phụ thuộc băng thông đường truyền internet, sợ tính bảo mật thông tin của DN bị tiết lộ và lo ngại của DN khi thay đổi sang một nền tảng mới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

5. Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (tiếng Anh: Artificial Intelligence hay Machine Intelligence, thường được viết tắt là AI) là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Trí thông minh nhân tạo liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc bao gồm các tác vụ điều khiển, lập kế hoạch và lập lịch, cũng như khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng tiếng nói và khuôn mặt.

Theo nghiên cứu của Daniel E. OLeary (1991) thì trí tuệ nhân tạo có thể có ảnh hưởng đáng kể đến cơ sở dữ liệu kế toán đã phát triển các mô hình hỗ trợ người ra quyết định và tập trung vào nhu cầu thông tin của người ra quyết định. Hơn nữa, những phát triển gần đây trong AI đã nhấn mạnh sự tích hợp của thông tin ngữ cảnh và biểu tượng tạo điều kiện cho sự hiểu biết rộng hơn về các sự kiện kế toán, tức là nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu văn bản và biểu tượng hơn là các con số để có thể hiểu được hoàn cảnh của DN. Bên cạnh đó, việc tích hợp các hệ thống thông minh với cơ sở dữ liệu kế toán có thể hỗ trợ (hoặc với người ra quyết định hoặc độc lập với người ra quyết định) trong việc điều tra khối lượng lớn dữ liệu dù có hoặc không có sự tham gia trực tiếp của người ra quyết định. Do đó, các hệ thống có thể phân tích dữ liệu và hỗ trợ người dùng hiểu hoặc diễn giải giao dịch để xác định các sự kiện kế toán nào được hệ thống thu thập.

Hiện nay, việc áp dụng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo để ghi sổ sách đang trở thành hiện thực khi các phần mềm kế toán hiện đang cung cấp khả năng tự động nhập dữ liệu, điều chỉnh. Các công ty áp dụng nhập liệu bằng công nghệ nhận diện ký tự quang học (OCR) bằng việc chuyển đổi hình ảnh, PDF, chữ viết tay sang dạng văn bản tài liệu mềm, ngoài ra các kỹ sư còn ứng dụng công nghệ học sâu (machine learning) và cây quyết định (tree decision) để phân tích ngữ nghĩa trong câu, từ đó trích xuất những thông tin quan trọng và lưu lại trong cơ sở dữ liệu. Một hệ thống như thế này, có thể cung cấp các báo cáo và lời khuyên rõ ràng về các lựa chọn để thực hiện, đồng thời tất cả các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, đặc biệt là trong kế toán.

Bên cạnh đó, một công cụ cho phép trí tuệ nhân tạo có thể học hỏi hoạt động một cách nhanh chóng là công nghệ “Machine Learning”. Sự đổi mới này dựa trên các thuật toán cho phép các máy tính có thể giải thích dữ liệu mà chúng nhận được, để cải thiện kiến thức và chức năng của chúng. Tiềm năng của công nghệ này là sự khởi đầu của các khả năng tiên đoán và phân tích của trí tuệ nhân tạo. Hệ thống như thế này có thể cung cấp các báo cáo và lời khuyên cụ thể về các lựa chọn, để thực hiện cho tất cả các nhiệm vụ lặp đi lặp lại.

Bằng cách kết hợp hai công nghệ đã biết, hệ thống chuyên gia và hệ thống hỗ trợ quyết định, các nhà nghiên cứu đã mang đến một công nghệ mới được gọi là hệ thống quyết định tự động. Các hệ thống này thực hiện phân tích dữ liệu, thống kê và thuật toán để đưa ra quyết định theo thời gian thực (Davenport, 2004)

Thực tế, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác kế toán đang trở nên ngày càng phổ biến giúp cho việc thu thập dữ liệu đầu vào được tự động hóa và dữ liệu được thu thập đa dạng hơn không chỉ là những dữ liệu tài chính mà còn cả phi tài chính như văn bản, ngữ cảnh, biểu tượng. Điều này giúp tăng tính chính xác của thông tin và tạo điều kiện cho việc phân tích TTKT theo sự kiện và hoàn cảnh cụ thể cũng như hỗ trợ ra quyết định cho nhà quản lý. Ví dụ: Một công ty dùng trí tuệ nhân tạo để giúp tự động hóa công việc kế toán cho những DN vừa và nhỏ. Khách hàng sẽ gửi hóa đơn chứng từ cho công ty, sau đó chúng sẽ được số hóa, mã hóa rồi gán vào từng tài khoản kế toán cho phù hợp với quy định của chuẩn mực kế toán. Trong quá trình này, hệ thống sẽ học hỏi xem chứng từ nào phải ghi vào tài khoản nào và theo thời gian, công việc đó sẽ được tự động hóa hoàn toàn. Hệ thống có cơ chế kiểm tra tính đúng đắn của dữ liệu bằng cách kiểm tra các tài khoản xem chúng có cộng đủ và đúng hay không, số tiền khi phát hành hóa đơn có khớp với tiền thu về hay không, thời hạn thanh toán của hóa đơn là bao nhiêu.

6. Ứng dụng của Blockchain

Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Với khả năng làm giảm phần lớn khả năng xảy ra sai sót, chống sửa đổi dữ liệu, bảo mật cao thì Blockchain được các chuyên gia đánh giá sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực kế toán, tài chính ngân hàng. Theo báo cáo Blockchain và tương lai của kế toán của ICAEW nhấn mạnh 3 đặc điểm chính của Blockchain là: (i) Một giao dịch mới được thực hiện từ một người và được truyền đến một mạng lưới sổ cái giống hệt nhau mà không có trung tâm điều khiển; (ii) Tất cả các giao dịch và hồ sơ được lưu trữ vĩnh viễn và không có khả năng bị giả mạo hoặc xóa bỏ; (iii) Blockchain được lập trình cho phép tự động hóa các giao dịch và kiểm soát thông qua hợp đồng thông minh.

Theo Nadine Rỹckeshọuser (2017) thì Blockchains là dạng cơ sở dữ liệu được chia sẻ, được duy trì và xác minh giữa các tác nhân tham gia vào mạng, đảm bảo tính minh bạch và sự tin cậy của hồ sơ thông tin mà không cần phải có bên thứ ba. Bài nghiên cứu cũng nêu lên việc ứng dụng kỹ thuật Blockchain trong kế toán và nhấn mạnh tính bất biến của việc ghi nhận tài chính dựa trên một sự đồng thuận phi tập trung có thể chống gian lận.

Theo báo cáo của Deloitte (2016) về ảnh hưởng Blockchain đến kế toán thì thay vì lưu giữ hồ sơ riêng biệt dựa trên biên nhận giao dịch, các công ty có thể ghi các giao dịch của họ trực tiếp vào sổ đăng ký chung, tạo ra một hệ thống khóa sổ kế toán liên tục. Vì tất cả các mục được phân phối và được mã hóa kín, làm sai lệch hoặc phá hủy chúng để che giấu hoạt động thực tế là không thể và điều này làm giảm các lỗi và gian lận có thể xảy ra.

Blokchain cung cấp hai lợi thế rất quan trọng đối với nghề kế toán: tính minh bạch và bất biến. Đó là lợi ích to lớn cho tính toàn vẹn của một công ty kế toán mà hồ sơ của họ có thể dễ dàng tiếp cận với những bên liên quan. Tất nhiên, phải có các quy tắc điều chỉnh ngay cả cách các đối tượng có thể truy cập hồ sơ tài chính và Blockchain sử dụng các hợp đồng thông minh để đáp ứng các quy tắc như vậy (Hợp đồng thông minh là các khối mã được viết để tự động hóa các quy trình nhất định trong kế toán). Khi đó, các dịch vụ cấp thấp hơn như các điều chỉnh tài khoản, điều chỉnh ngân hàng, xác nhận, khoản phải thu và khoản phải trả được ủy quyền cho nền tảng Blockchain.

Ngoài ra, Blockchain là một cơ sở dữ liệu hoạt động trên đám mây lưu trữ nhiều thông tin, bao gồm thông tin tài chính và phi tài chính. Bất kỳ thông tin nào được tải lên mạng Blockchain đều được xác nhận và phê duyệt bởi các thành viên hiện có và sau đó được phân phối cho các thành viên mạng trong thời gian thực. Điều đó có nghĩa là, dữ liệu trên Blockchain được bảo mật về mặt lý thuyết chống lại việc bị lấy trộm và điều chỉnh dữ liệu. Đồng thời, nó làm giảm phần lớn khả năng xảy ra sai sót khi đối chiếu các thông tin phức tạp và khác biệt từ nhiều nguồn khác nhau.

Như vậy, việc ứng dụng Blockchain sẽ giúp DN giảm sai sót trong việc nhập dữ liệu dựa trên các chức năng kế toán tự động trong hợp đồng thông minh và từ đó làm giảm các lỗi và sai sót dữ liệu đầu vào như tự động nhập liệu, đối chiếu dễ dàng. Ngoài ra, Blockchain còn giúp giảm tình trạng gian lận do việc điều chỉnh, sửa đổi dữ liệu sau khi đã được các bên chấp nhận là hầu như không thể. Thông qua các hợp đồng thông minh, nhiều chức năng kiểm toán có thể được tự động hóa, giảm thời gian mà kiểm toán viên cần phải dành để xem xét hồ sơ, hơn nữa, khả năng truy nguyên vốn có được tạo thành Blockchain giúp việc kiểm tra trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Có thể thấy, được chất lượng TTKT sẽ minh bạch, chính xác và đầy đủ hơn rất nhiều khi ứng dụng công nghệ Blockchain vào công tác kế toán.

Tuy nhiên, phần lớn phần mềm kế toán không tương thích với công nghệ Blockchain. Công ty có thể mua dịch vụ kế toán dựa trên đám mây khi chúng trở nên có sẵn và có thể thuê một nhà phát triển Blockchain để tạo giao diện người dùng tùy chỉnh cho công ty của bạn. Khi ngày càng có nhiều nền tảng kế toán Blockchain nổi lên để lấp đầy thị trường mới này, các giải pháp tiết kiệm chi phí sẽ giúp giảm nhu cầu về các Blockchains được thiết kế riêng.

7. Kết luận

Việc ứng dụng những công nghệ mới đặc biệt là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và Blockchain đã và sẽ làm thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực kế toán tài chính. Chất lượng thông tin của hệ thống TTKT khi ứng dụng công nghệ sẽ trở nên nhanh hơn, kịp thời và chính xác hơn, các thông tin tích hợp đa dạng và sâu rộng gồm cả các thông tin tài chính và phi tài chính. Việc này sẽ giúp cho các nhà quản lý có được những thông tin nhiều chiều và sâu rộng khi tiến hành phân tích và đưa ra quyết định trong kinh doanh và quản trị DN. Bên cạnh đó, hiện nay dựa vào ứng dụng các cảm biến thông minh, thiết bị thông tin liên lạc và giải pháp quản trị tích hợp, DN có thể số hóa toàn bộ quá trình hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến quản lý. Thông tin từ quá trình sản xuất, qua cảm biến được số hóa thành dữ liệu theo thời gian thực và truyền về các hệ thống xử lý và hệ thống quản trị. Nhờ đó những hệ thống quản lý điều hành tập trung luôn có dữ liệu đầy đủ, cập nhật và chính xác để giúp nhà quản lý đưa ra quyết định điều hành kịp thời. Mức độ số hóa càng đầy đủ, thông tin càng cập nhật và chính xác.

Cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra những giải pháp công nghệ thông minh hơn, có năng lực xử lý mạnh hơn. Nó giúp nhà quản trị tại mọi nơi, mọi lúc có đầy đủ thông tin từ việc nắm được bức tranh toàn cảnh của DN cho đến truy vấn tới từng giao dịch nhỏ nhất, thay vì phải hỏi nhiều người hay tra cứu từ nhiều nguồn, giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả của các quy trình làm việc./.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Nguyễn Hữu Bình, 2015. ảnh hưởng của hệ thống kiểm soát nội bộ và công nghệ thông tin đến chất lượng hệ thống TTKT của các DN tại Tp. HCM. Tạp chí Phát triển KH & CN, tập 19, số Q4 -2016.

2. Abdullah Mohammad Al-zoubi, 2017. The Effect of Cloud Computing on Elements of Accounting Information System. Global Journal of Management and Business Research.

3. Abdulqawi, & Alshaefee, A. G, 2012. Accounting information systems and its application in petroleum companies in Yemen

4. Aysel Guney, 2014. Role of technology in accounting and e-accounting. Organizing Committee of the ERPA Congress 2014.

5. Ayban Mohamed Zerban, 2015. Can Acounting information system benefit from Cloud Computing: The case of Saudi Arabia.International Journal of Current research

6. Daniel O Leary, 1991. Artificial Intelligence and Expert System in Accounting Databases: Survey and Extensions. Exper Systems With Applications, Vol.3, p. 143-152

7. Davenport, T, 2004. Decision Evolution. CIO Magazine, Oct. 1

8. Deloitte, 2016. Blockchain Technology: A game - changer in accounting.

9. Florin Aparaschivei, 2007. Considerations on Accounting Intelligent Systems Importance. Information Economic

10. Gelinas, U., Sutton, S., 2002. Accounting Information Systems, 5th Edition, South Western

11. ICAEWs IT Faculty, 2017. Blockchain and the future of accountance

12. Lobana, J., 2013. Cloud Computing for Not-for Profit Organizations - Questions for Directors to Ask, Chartered Professional Accountants Canada.

13. Nadine R#ckesh#user, 2017. Do We Really Want Blockchain - Based accounting? Decentralized consensus as Enabler of Management Override of Internal Controls. International Conference on Wirtschaftsinformatik.

14. Rapina, 2014. Factor Influencing The Quality of Accounting Information System And Its Implication on The Quality of Accounting Information. Research Journal of Finance and Accounting, 148-154.

15. Romney M.B, Steinbart P.J, 2012.  Accounting Information Systems. 12th edition, Pearson Education Limited.

16. Sacer, I.M, & Oluie, A. 2013. Information Technology and Accounting Information Systems Quality in Croatian Middle and Large Companies. Journal of Information and Orgnizational Sciences, 114-126.

17. Shaban Mohammadi & Ali Mohammadi, 2014. Effect of Cloud Computing in Accounting and Comparison with the Traditional Model. Research Journal of Finance and Accounting, Vol 5, No. 23.

18. Wilkinson, J.W Cerullo, M.J Raval, V., & Wong on Wing, B, 2000.  Accounting information Systems: Essential Concepts and Applications (Fourth Edition ed) http: //www. vacpa.org.vn/Page/Detail.aspx?newid =5443. https://www.accountingtoday.com/opinion/tackling-blockchain-technology-in-the-accounting-profession. https://igniteoutsourcing.com/publications/blockchain-accounting-applications.

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) Ths. Phạm Đình Tuấn * Trường Đại học Nha Trang

 

Xem thêm
Doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế theo chương trình dành cho khách hàng truyền thống

Doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế theo chương trình dành cho khách hàng truyền thống

Một số vấn đề về Thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, hải sản

Một số vấn đề về Thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, hải sản

Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính tại Khu vực công Việt Nam

Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính tại Khu vực công Việt Nam

Một số vấn đề về kế toán hàng tồn kho trong đơn vị hành chính sự nghiệp

Một số vấn đề về kế toán hàng tồn kho trong đơn vị hành chính sự nghiệp

Phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro kinh doanh giải pháp phát triển lĩnh vực kiểm toán trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro kinh doanh giải pháp phát triển lĩnh vực kiểm toán trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh