Sự khác biệt giữa Kế toán Việt Nam và Kế toán quốc tế về hàng tồn kho


Bài viết trình bày, phân tích và đo lường sự khác biệt giữa Kế toán Việt Nam (KTVN) và Kế toán quốc tế (KTQT) về hàng tồn kho (HTK). Đó là một trong số những nội dung quan trọng nhất, để xác định các khoản mục về HTK trên BCTC, theo KTVN và KTQT của các doanh nghiệp (DN) FDI, tại Việt Nam. Dữ liệu được thu thập từ kết quả nghiên cứu và khảo sát, tại các DN FDI,  từ năm 2015 đến 2016, được phân tích và đo lường bằng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp. Kết quả đo lường bằng kiểm định Paired sample T test trong SPSS20 với Sing <5%, chứng tỏ có sự khác biệt giữa KTVN và KTQT về HTK.

Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

HTK là một trong số những khoản mục trên báo cáo tài chính (BCTC) của DN, nó có liên quan đến việc xác định chi phí, tính giá thành sản phẩm cũng như xác định chi phí quản lý, chi phí bán hàng,... để cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng. Bằng việc vận dụng KTVN và KTQT, bộ phận kế toán tại các DN FDI lập hai bộ BCTC, một bộ tuân theo KTQT (IAS/IFRS) hoặc tuân theo chuẩn mực mà công ty mẹ áp dụng, một bộ BCTC tuân theo KTVN (Trần Mạnh Dũng, 2016). Trong đó, KTVN được lựa chọn nghiên cứu điển hình liên quan đến HTK, bao gồm Chuẩn mực KTVN – VAS 2, Luật Kế toán, Chế độ kế toán DN hiện nay (TT200/2014/TT-BTC),... KTQT được lựa chọn nghiên cứu bao gồm các CMKT về HTK – IAS 2 (Deloitte, 2016). Tuy nhiên, việc tính toán và xác định một cách chính xác khoản mục HTK trên BCTC một cách kịp thời, vẫn còn là một trong những bất cập tại DN FDI. Từ đó, ảnh hưởng nhất định tới lập và trình bày BCTC tại DN này. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu trước đã chứng minh được rằng, KTVN và KTQT về HTK có sự tương đồng và khác biệt (Trần Hải Long, 2012). Vì vậy, nghiên cứu này tiếp tục chứng minh sự tương đồng và khác biệt giữa KTVN và KTQT liên quan đến HTK, để tăng thêm độ tin cậy của kết quả nghiên cứu.

Tổng quan nghiên cứu

Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về kế toán HTK như: Nguyễn Thị Ngọc Thạch (2009) nghiên cứu về kế toán chi phí sản xuất theo CMKT Việt Nam số 2 – HTK với các loại chi phí sản xuất như chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung; Hà Thúy Vân (2010) trình bày về CMKT quốc tế về HTK; Trần Hải Long (2012) nghiên cứu những điểm tương đồng và khác biệt giữa CMKT IAS2 và VAS2 trên các khía cạnh về quy định chung, về nội dung chuẩn mực. Sự tương đồng và khác biệt giữa KTVN và KTQT về HTK, liên quan đến BCTC của DN FDI tại Việt Nam, cũng đã được Deloitte (2016) tổng hợp trên các khía cạnh như:

Về mục đích: Cả KTQT và KTVN đều quy định về xử lý kế toán đối với HTK bao gồm cả việc xác định và ghi nhận chi phí.

Về các khoản mục của HTK. Ngoài những điểm tương đồng như: HTK bao gồm: Hàng hóa mua về để bán; Thành phẩm tồn kho hoặc sản phẩm dở dang; Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho, phục vụ quá trình sản xuất; Chi phí dịch vụ dở dang. Thì sự khác biệt giữa KTVN và KTQT đó là KTVN không đề cập đến trường hợp, HTK bao gồm cả đất và các tài sản khác được giữ lại để bán. KTVN cũng không đề cập đến phạm vi áp dụng của chuẩn mực HTK đối với sản phẩm dở dang của các hợp đồng xây dựng; Công cụ tài chính; Tài sản sinh học liên quan tới hoạt động nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp, tại thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, KTQT chỉ rõ, không áp dụng cho các trường hợp trên.

Về phương pháp xác định giá trị HTK: Sự khác biệt giữa KTVN và KTQT đó là, KTVN không đề cập đến nội dung này, trong khi đó KTQT có đề cập cụ thể như sau: Phương pháp tiêu chuẩn hoặc giá bán lẻ có thể được sử dụng nếu kết quả tương đương với giá thực tế. Gía tiêu chuẩn phải được xem xét thường xuyên và điều chỉnh theo các điều kiện hiện thời. Phương pháp xác định giá trị HTK theo IAS 2, không áp dụng đối với các trường hợp sau:

Thứ nhất:  Nông lâm sản, sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch, khoáng chất và các sản phẩm khai khoáng được ghi nhận bằng giá trị có thể thực hiện được theo thông lệ của ngành. Khi HTK được ghi nhận theo giá trị có thể thực hiện được, thay đổi về giá trị của HTK, được ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ.

Thứ hai: Các tổ chức môi giới và buôn bán hàng hóa ghi nhận HTK bằng giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng. Khi HTK được ghi nhận bằng giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng thì thay đổi về giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng được ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ.

Về phương pháp tính giá HTK: KTVN và KTQT là khá tương đồng. Tuy nhiên, phương pháp LIFO vẫn được sử dụng trong KTQT.

Về ghi giảm giá gốc HTK cho bằng với giá trị thuần có thể thực hiện: Giữa KTVN và KTQT có sự khác biệt. KTVN không cho phép ghi giảm giá gốc HTK đối với một nhóm các hàng hóa cho bằng giá trị thuần có thể thực hiện được. Trong khi đó, KTQT chỉ rõ việc ghi giảm giá gốc HTK cho bằng với giá trị thuần có thể thực hiện được trên cơ sở từng mặt HTK. Trong một số trường hợp, có thể thực hiện đối với một nhóm các hàng hóa có liên quan.

Mỗi công trình nghiên cứu trên đã tổng hợp, phân tích về một số nội dung cụ thể về HTK. Tuy nhiên, các công trình trên chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để phân tích. Với sự kế thừa các công trình nghiên cứu trên, nghiên cứu này còn phân tích kết quả bằng việc xử lý dữ liệu với kiểm định Paired sample T test trong SPSS20 để tổng hợp, phân tích và đo lường sự khác biệt giữa KTVN và KTQT về HTK.

Thu thập dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được xây dựng, dựa trên dữ liệu thu thập từ kết quả nghiên cứu và khảo sát tại các DN FDI, trong khoảng thời gian từ, năm 2015 đến 2016. Tất cả các DN FDI được khảo sát, đều có đề cập đến khoản mục HTK trên BCTC.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng phương pháp hỗn hợp (kết hợp cả hai phương pháp định tính và định lượng) (Qresswell, 2003) xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu và những ưu điểm của phương pháp nghiên cứu này. Trong phương pháp nghiên cứu định tính, sau khi xác định mục tiêu nghiên cứu, tác giả tiến hành thu thập dữ liệu bằng cách thu thập, nghiên cứu tài liệu là những công trình nghiên cứu trước. Sau đó, tác giả xây dựng bảng câu hỏi và tiến hành phỏng vấn những chuyên gia am hiểu về lĩnh vực nghiên cứu. Cuối cùng, tác giả phân tích dữ liệu, tổng hợp để đưa ra kết quả nghiên cứu và xây dựng bảng hỏi phục vụ cho phương pháp nghiên cứu định lượng. Trong phương pháp nghiên cứu định lượng, bảng câu hỏi được kiểm tra lại và phát đi rộng rãi đến các đối tượng được khảo sát bao gồm kiểm toán viên các công ty kiểm toán, trưởng và phó phòng kế toán các DN FDI, nhằm thu thập dữ liệu. Đối tượng được khảo sát cho biết ý kiến đánh giá của mình về sự phù hợp, dễ hiểu, dễ vận dụng,... đối với KTVN và KTQT về HTK. Phiếu khảo sát được chia thành ba cột bao gồm: Cột nội dung, cột KTVN và KTQT. Trên cột nội dung, KTVN và KTQT về HTK được khảo sát cụ thể với 3 nhóm là: Nội dung ghi nhận (KMHTK1); Nội dung đánh giá (KMHTK2) và Trình bày – Công bố (KMHTK3). Trên hai cột KTVN và KTQT, thang đo Likert 5 điểm được sử dụng từ mức 1 “Hoàn toàn không đồng ý”, 2 “Không đồng ý”, 3 “Bình thường”, 4 “Đồng ý” và mức 5 “Hoàn toàn đồng ý”. Trong số phiếu khảo sát được gửi đi, tác giả thu về 60 phiếu trả lời hợp lệ. Từ đó, tác giả tổng hợp kết quả khảo sát trên file excel với 6 cột, mỗi biến khảo sát ở trên được đánh giá bằng thang điểm cho KTVN riêng và KTQT riêng. Từ đó, tác giả phân tích kết quả bằng việc xử lý dữ liệu với kiểm định Paired sample T test trong SPSS20, để khẳng định sự khác biệt giữa KTVN và KTQT về HTK.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả xử lý dữ liệu với kiểm định Paired sample T test trong SPSS20:

Bảng 1: Paired sample Statistics cho biết:

-        Mean: Gía trị bình quân

-        Nội dung ghi nhận (KMHTK1) của KTVN bình quân là 2, 7 trong khi đó của KTQT là 3,8.

-        Nội dung đánh giá (KMHTK2) cả KTVN bình quân là 3,4, trong khi đó của KTQT là 4,6.

-        Trình bày – công bố (KMHTK3) của KTVN bình quân là 2,32, trong khi đó của KTQT là 3, 72. Sự khác biệt lớn nhất giữa KTVN và KTQT về HTK là “trình bày – công bố”.

-        N: Số mẫu khảo sát

-        Mẫu khảo sát của bài viết là 60.

-        Std. Deviation: Độ lệch tiêu chuẩn

-        Đó là chênh lệch giữa bình quân tính được với thực tế khảo sát, độ lệch chuẩn càng tiến đến 0 thì giá trị bình quân càng có ý nghĩa và mẫu khảo sát là mẫu chuẩn.

-        Std. Error Mean: Sai số bình quân

-        Chỉ tiêu này dao động từ 0,086 – 0,117; đạt giá trị khá nhỏ, chứng tỏ kết quả nghiên cứu có ý nghĩa.

-        Pair: Nhóm

-        Sự khác biệt về HTK giữa KTVN và KTQT được chia thành 3 nhóm: Nội dung ghi nhận (KMHTK1); Nội dung đánh giá (KMHTK2) và Trình bày – Công bố (KMHTK3).

Bảng 2: Paired Samles Correlations phản ánh mối tương quan tuyến tính giữa KTVN và KTQT về HTK đối với nội dung ghi nhận (KMHTK1), nội dung đánh giá (KMHTK2) và trình bày  - công bố (KMHTK3). Sở dĩ, có mối tương quan tuyến tính này là do KTVN được xây dựng dựa trên KTQT (IAS/IFRS) từ những năm 2000 đến 2005, theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của DN Việt Nam, tại thời điểm ban hành chuẩn mực (Lê Hoàng Phúc, 2011).

Bảng 1: Paired Samples Statistics

 

Mean

N

Std. Deviation

Std. Error Mean

Pair 1

KMHTK1-KTVN

2.70

60

.908

.117

KMHTK1-KTQT

3.80

60

.755

.097

Pair 2

KMHTK2-KTVN

3.40

60

.807

.104

KMHTK2-KTQT

4.60

60

.669

.086

Pair 3

KMHTK3-KTVN

2.32

60

.892

.115

KMHTK3-KTQT

3.72

60

.783

.101

Nguồn: Số liệu được xử lý bởi tác giả

Bảng 2: Paired Samples Correlations

 

 

N

Correlation

Sig.

Pair 1

KMHTK1-KTVN & KMHTK1-KTQT

60

.653

.000

Pair 2

KMHTK2-KTVN & KMHTK2-KTQT

60

.678

.000

Pair 3

KMHTK3-KTVN & KMHTK3-KTQT

60

.688

.000







Nguồn: Số liệu được xử lý bởi tác giả

Correlation: Hệ số tương quan

Hệ số tương quan sự khác biệt về HTK giữa KTVN và KTQT của 3 nhóm đều lớn hơn 0, 6. Như vậy, nghiên cứu có ý nghĩa (hệ số tương quan bằng 0 thì không ý nghĩa, càng tiến tới 1 càng có ý nghĩa).

Sig: Mức ý nghĩa của kiểm định

Sig = 0,000<0, 05 có ý nghĩa thống kê.

Bảng 3: Paired Samles Test cho thấy, mức ý nghĩa của kiểm định nhỏ hơn 0.05 (Sig. (2-tailed)=0.000) phản ánh có sự khác biệt giữa KTVN và KTQT về HTK đối với nội dung ghi nhận (KMHTK1), nội dung đánh giá (KMHTK2) và trình bày – công bố (KMHTK3). Cụ thể, là sự phù hợp, dễ hiểu, dễ vận dụng,... của KTQT cao hơn so với KTVN.

95% Confidence Interval of the Difference: Khoảng ước lượng với độ tin cậy là 95%.

T: giá trị kiểm định T

Giá trị kiểm định T có ý nghĩa được căn cứ vào sig <0,05.

DF: Số bậc tự do

Số bậc tự do bằng số mẫu khảo sát trừ 1 (DF=60-1=59).

Sig. (2-tailed): Mức ý nghĩa của kiểm định hai phía

Sig (2-tailed) <0,05: Kết quả kiểm định có ý nghĩa

Kiểm định Paired Samples T test trong trường hợp này nhằm so sánh sự khác biệt giữa KTVN với KTQT về HTK. Kết quả từ bảng 3 cho thấy, Sig=0,000<5%, chứng tỏ có sự khác biệt giữa hai nhóm KTVN và KTQT về HTK, có ý nghĩa thống kê (Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008).

Bảng 3: Paired Samples Test

 

Paired Differences

T

df

Sig. (2-tailed)

Mean

Std. Deviation

Std. Error Mean

95% Confidence Interval of the Difference

Lower

Upper

Pair 1

KMHTK1-KTVN - KMHTK1-KTQT

-1.100

.706

.091

-1.282

-.918

-12.070

59

.000

Pair 2

KMHTK2-KTVN - KMHTK2-KTQT

-1.200

.605

.078

-1.356

-1.044

-15.362

59

.000

Pair 3

KMHTK3-KTVN - KMHTK3-KTQT

-1.400

.669

.086

-1.573

-1.227

-16.212

59

.000

Nguồn: Số liệu được xử lý bởi tác giả

Kết luận và hàm ý cho Việt Nam

HTK là tài sản lưu động, được trình bày trên phần tài sản của bảng cân đối kế toán BCTC của các DN. DN có thể có các loại HTK như nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, sản phẩm dở dang, thành phẩm, hàng hóa. Mặt khác, HTK là một trong những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất tại các DN. Vì vậy, nó có ảnh hưởng trực tiếp tới việc tính giá thành sản phẩm và xác định, kiểm soát chi phí. Riêng các DN FDI, ngoài việc đánh giá HTK sao cho đúng và tuân thủ KTVN thì còn phải đánh giá HTK tuân thủ theo KTQT, để phục vụ cho việc lập BCTC theo KTVN và KTQT. Đồng quan điểm với các nghiên cứu trước, nghiên cứu này tiếp tục khẳng định có sự khác biệt giữa KTVN và KTQT về HTK với phương pháp nghiên cứu đa dạng và phạm vi về thời gian nghiên cứu gần đây. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống KTVN đã được cải cách, thay đổi với giá trị khoa học, tính thực tiễn, tính hiện đại (PGT.TS Đặng Văn Thanh, 2016). Kế toán HTK cũng được sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích dễ hiểu, dễ vận dụng và hài hòa với KTQT. Tuy nhiên, KTVN nói chung và HTK cần thay đổi hơn nữa để phù hợp hơn với KTQT nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng và giá trị cũng như phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Khi đó, KTVN có điều kiện nhiều hơn để hội nhập với KTQT, thông tin kế toán sẽ minh bạch hơn, từ đó việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính (2001): Quyết định của Bộ trưởng, Bộ Tài chính, số 149/2001/QĐ-BTC, ngày 31/12/2001, về việc ban hành và công bố 4 CMKT đợt 1.
2. Bộ Tài chính (2014): TT 200/2014/TT-BTC, ngày 22/11/2014 của Bộ Tài chính.
3. Ngô Thế Chi, Trương Thị Thủy (2010), Giáo trình CMKT quốc tế, NXB Tài Chính, Hà Nội.
4. Deloitte (2016): Tài liệu hướng dẫn kiểm toán sử dụng tham khảo.
5. Trần Mạnh Dũng (2016), KTVN chuyển đổi trong 20 năm qua, tài liệu trình bày tại Hội thảo Kế toán, Kiểm toán, do VAA tổ chức.
6. Trần Hải Long (2012): CMKT Việt Nam, số 02-HTK (VAS) và CMKT quốc tế số 02-HTK (IAS2), Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán, số 11 (112), trang 28-30, 38.
7. Lê Hoàng Phúc (2011): Sự hòa hợp giữa CMKT Việt Nam và CMKT quốc tế: Thực trạng, nguyên nhân và định hướng phát triển. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số 11/2011, trang 20-11 và 36.
8. Quốc hội: Luật Kế toán, số 88/2015/QH13.
9. Nguyễn Thị Ngọc Thạch (2009): Trao đổi về Kế toán chi phí sản xuất theo CMKT Việt Nam, số 02-HTK. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán, số 3 (68), trang 52-54.

10. PGS.TS Đặng Văn Thanh (2016) Tài liệu trình bày tại Hội thảo Kế toán và Kiểm toán, do VAA tổ chức.

11. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức.

12. Hà Thúy Vân (2010): Phân tích sự biến động và xử lý chênh lệch định mực chi phí gắn với kế toán chi phí chế biến, theo CMKT Việt Nam, số 02, Tạp chí Kiểm toán, số 3, trang 35-37.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của ThS Đỗ Đức Tài và ThS Lê Quang Trung - Khoa Kế toán, ĐH Lao động Xã hội.

Xem thêm
Hàng hoá tiêu dùng nội bộ không phải xuất hoá đơn

Hàng hoá tiêu dùng nội bộ không phải xuất hoá đơn

Cách ghi tiền lương trong hợp đồng lao động

Cách ghi tiền lương trong hợp đồng lao động

Kiểm toán nội bộ: Công cụ kiểm soát tài chính thiết yếu

Kiểm toán nội bộ: Công cụ kiểm soát tài chính thiết yếu

Hệ thống chỉ tiêu phân tích báo cáo tài chính trong các Doanh Nghiệp

Hệ thống chỉ tiêu phân tích báo cáo tài chính trong các Doanh Nghiệp

Hóa đơn điện tử: Xu hướng không thể khác

Hóa đơn điện tử: Xu hướng không thể khác

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh