Ứng dụng Công nghệ số vào công tác kế toán, kiểm toán

TS. Nguyễn Đăng Huy*

*Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

 

Tóm tắt

Sự bùng nổ của công nghệ số, công việc của kế toán không còn thực hiện một cách thủ công như trước kia, mà thay vào đó là sự tự động hóa, từ khâu nhập dữ liệu, kết nối dữ liệu, xử lý, lập báo cáo và phân tích báo cáo. Tác động của Cách mạng Công nghệ 4.0 (CMCN 4.0), làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện kế toán - kiểm toán hiện nay, bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu trong môi trường tin học hóa, tiết kiệm thời gian, công sức cũng như không bị giới hạn bởi không gian, khoảng cách địa lý. Vì vậy, người lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán buộc phải thay đổi để theo kịp sự biến đổi đó. Hơn nữa, do công nghệ số làm thay đổi quy trình kế toán, nên kéo theo những thay đổi trong việc quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu các yếu tố tác động của công nghệ số đối với lĩnh vực kế toán là rất quan trọng, góp phần giúp lĩnh vực này vượt qua các thách thức và tận dụng cơ hội, trong bối cảnh mới.

Từ khóa: Cách mạng Công nghệ 4.0, kế toán, kiểm toán, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối.

Abstract

With the explosion of digital technology, accounting work is no longer done manually as before, but instead is automated, from data entry, data connection, processing, report generation and report analysis. The impact of Industry 4.0 has fundamentally changed the current method of accounting - auditing by applying electronic documents, data collection and processing software in a computerized environment, saving time. time, effort as well as not limited by space, geographical distance. Therefore, employees in the field of accounting - auditing are forced to change to keep up with that change. Moreover, because digital technology changes the accounting process, it also entails changes in the state management of this field. In that context, it is very important to study the impact factors of digital technology on the accounting field, contributing to helping this field overcome challenges and take advantage of opportunities in the new context.

Keywords: industry 4.0, accounting, auditing, Big Data, Cloud computing, Everything connected.

JEL: M15, M40, M49, M42.

Những tác động của công nghệ số đối với công tác kế toán

Công nghệ số giúp lĩnh vực kế toán Việt Nam tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, vào thị trường dịch vụ tài chính, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của đất nước. Công nghệ nói chung và CMCN 4.0 nói riêng, có thể tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức tài chính, kế toán không ngừng phát triển dịch vụ tài chính, kế toán chuyên nghiệp hơn, góp phần công khai minh bạch các thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. CMCN 4.0 cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn, giữa các DN cung cấp dịch vụ kế toán. Trong quá trình này, các DNNVV có nguy cơ giảm thị phần do các DN lớn có nguồn lực về công nghệ thâu tóm khách hàng cũng như sự cạnh tranh của các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán xuyên quốc gia. Tuy nhiên, xu thế này cũng sẽ làm cho thị trường dịch vụ kế toán phát triển hơn, chuyên nghiệp hơn và mạnh hơn.

Thứ nhất, tác động vào quy trình kế toán

Kinh tế số và cuộc CMCN 4.0, đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ vào quy trình kế toán. Nhờ công nghệ thông tin, hoạt động kế toán tại DN trở nên hiệu quả hơn, minh bạch hơn và chuyên nghiệp. Việc ứng dụng internet kết nối vạn vật, lưu trữ và phân tích thông tin trên nền tảng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong kế toán giúp cho việc thu thập, tính toán và báo cáo dữ liệu đơn giản và nhanh chóng hơn, để những người làm kế toán tập trung vào các trách nhiệm cao hơn. Quá trình ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (iCloud), Vạn vật kết nối (ITs), sẽ giúp xử lý được những vấn đề phức tạp mà không mất quá nhiều thời gian và chi phí. Chẳng hạn, với hệ thống kế toán, kiểm toán trên nền tảng điện toán đám mây, lãnh đạo DN có thể truy cập vào hệ thống và có được dữ liệu báo cáo về DN của mình bất cứ thời gian nào. Các dữ liệu đó bao gồm hàng tồn kho, tổng doanh thu và tổng chi phí. Hơn nữa, hệ thống này còn giúp cho DN tiết kiệm thời gian, trong xây dựng quy trình công việc. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, công nghệ cũng giúp hạn chế, loại trừ sự nhầm lẫn và tối thiểu hóa các lỗi kế toán.

Thứ hai, tạo ra cơ hội tiếp cận phần mềm tiện ích, chi phí phù hợp

Các nghiên cứu trên thế giới mới đây cho thấy, CMCN 4.0 với các ứng dụng vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế. Các phần mềm và hệ thống thông minh sẽ thay thế công việc thủ công, tự động hóa các quy trình phức tạp, hỗ trợ các xu hướng dịch vụ thuê ngoài và tái sử dụng nội bộ một số dịch vụ khác. Việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới, sẽ mở ra cơ hội để ngành kế toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích với chi phí phù hợp. Từ đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiệm cận hệ thống kế toán quốc tế...

Thứ ba, tác động đến ngành nghề và nhân viên kế toán

Kế toán viên (KTV) tại Việt Nam, có thể thực hiện công việc kế toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới. Cùng với đó, các KTV ở quốc gia được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều thực hiện công việc kế toán của DN, tổ chức tại Việt Nam. Hơn nữa, công nghệ số và CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chuyên môn, để bắt kịp với xu thế và không “loại mình khỏi cuộc chơi”. Thách thức lớn nhất mà ngành kế toán hiện phải đối diện là, yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguồn nhân lực kế toán của Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập nhưng số lượng và chất lượng còn nhiều hạn chế (có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, xét trên nhiều khía cạnh.

Thứ tư, tác động đến hoạt động đào tạo kế toán

Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang đặt ra, đòi hỏi Việt Nam phải phát triển nguồn nhân lực kế toán có tính chuyên nghiệp cao, đủ năng lực cạnh tranh với lao động của các nước khác trong khu vực cũng như dòng dịch chuyển nguồn nhân lực giữa các quốc gia. Cùng với xu hướng hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của thành tựu CMCN 4.0 gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Vạn vật kết nối (ITs), Sổ cái (Blockchain), Điện toán đám mây (Iclound)... dự báo sẽ làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán hiện nay. Bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu tự động, ghi sổ kế toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa. Như vậy, các phương thức giảng dạy truyền thống cần thay đổi, nội dung chương trình cần có sự cập nhật thường xuyên.

Cơ hội, thách thức cho ngành kế toán

Những thành tựu từ CMCN 4.0 đem lại nhiều cơ hội cho ngành kế toán, được thể hiện qua những khía cạnh sau:

Thứ nhất là, thu thập thông tin

Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, các chương trình, công nghệ số hiện đại, KTV có thể thu thập các thông tin mà trước đây họ khó thu thập được. Bên cạnh đó, KTV có thể chiết xuất dữ liệu từ những kho dữ liệu khổng lồ, phục vụ cho tất cả các loại quyết định, các cấp lãnh đạo, các loại trạm kiểm soát thông tin ra quyết định và tất cả những người có lợi ích liên quan. Việc này có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, miễn là có internet. Sự linh hoạt này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các KTV làm dịch vụ cho cùng lúc nhiều DN, thay vì phải liên tục di chuyển giữa trụ sở làm việc và các DN thuê làm sổ sách kế toán.

Thứ hai là, chất lượng thông tin

Blockchain - công nghệ sử dụng sổ cái phân tán giúp nâng cao chất lượng dữ liệu thông qua các lịch trình tốt hơn, tính chính xác cao hơn và nhiều chi tiết hơn để cải thiện hiệu quả, bảo đảm về mặt dữ liệu; cải thiện việc truyền tải dữ liệu cho việc hoạch định và quản lý; nâng cao độ tin cậy và hợp lý của việc báo cáo thông qua việc tự kiểm soát hoặc các hệ thống tự kiểm… Các giao dịch khi đã được lưu trữ trong sổ cái thì sẽ không thể thay đổi được. Hơn nữa, mỗi chủ thể tham gia mạng lưới blockchain đều được lưu giữ một bản sao của sổ cái chung và bản này luôn được cập nhật đồng bộ thông qua một cơ chế đồng thuận, nên bất cứ thay đổi nào xảy ra, các chủ thể đều biết và có quyền chấp nhận hay không. Cơ chế hoạt động này bảo đảm sự minh bạch và bảo mật đối với các giao dịch giữa các chủ thể trong mạng lưới.

Thứ ba là, mở rộng thị trường

CMCN 4.0 giúp cho việc tổ chức thực hiện công tác kế toán một cách dễ dàng, hiệu quả từ việc thu thập thông tin (chứng từ kế toán); xử lý thông tin (ghi sổ kế toán); cung cấp thông tin (báo cáo tài chính); lưu trữ bảo quản tài liệu, thông tin kế toán và tổ chức bộ máy kế toán gọn nhẹ; tiết kiệm chi phí cho DN. Công nghệ đám mây giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn, không bị giới hạn và thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, để đạt được kết quả mong muốn.

Hơn nữa, trong thời đại 4.0, các phần mềm kế toán ngày càng được phát triển và cải thiện, chúng không chỉ đưa ra các giải pháp tiết kiệm thời gian cho chứng từ sổ sách, mà còn đảm bảo độ chính xác cao. Nhờ nâng cao chất lượng dịch vụ, mà các công ty kế toán có thêm cơ hội tiếp cận với hệ thống kế toán quốc tế, từ đó có thể mở rộng thị trường dịch vụ kế toán.

Thứ tư là, đội ngũ kế toán

Những tiến bộ của cuộc CMCN 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến việc học tập nâng cao tay nghề và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác chuyên môn của đội ngũ kế toán, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lao động của các KTV.

Những thách thức

Bên cạnh những cơ hội, CMCN 4.0 cũng đem lại cho ngành kế toán ở Việt Nam không ít những thách thức.

Đầu tiên, kế toán là một trong những ngành nghề đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình kế toán đã và sẽ có sự thay đổi căn bản, khi hầu hết các phần hành kế toán đều ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả hoạt động ghi sổ, lập báo cáo tài chính. Do vậy, thách thức lớn nhất mà ngành kế toán gặp phải trong bối cảnh CMCN 4.0, là yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin. Thực tế cho thấy, kiến thức, hiểu biết, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các KTV, hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Trong khi đó, công tác đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, đa ngành, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ, bảo mật và trí tuệ nhân tạo... Cơ sở vật chất của hầu hết các cơ sở đào tạo kế toán ở Việt Nam còn nghèo nàn, thiếu phòng thực hành, thiếu hệ thống thư viện hiện đại. Một số cơ sở đào tạo đã có hệ thống thư viện, nhưng còn hạn chế về không gian đọc, các tiện ích, đầu sách và cơ sở dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Đây chính là nguyên nhân làm cho công tác nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên gặp nhiều khó khăn, môi trường học tập của người học không thuận lợi.

Hai là, chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin của các DN kế toán nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thường xuyên của ngành kế toán mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn tương đối hạn chế và chưa đi vào chiều sâu, chưa phục vụ được những hoạt động tác nghiệp cụ thể có tính phức tạp và đặc thù chuyên môn cao.

Thứ ba, thách thức liên quan đến rủi ro mất thông tin, dữ liệu thông qua việc kết nối internet cũng là một vấn đề quan trọng, đối với các công ty kế toán. Thông tin, kết quả kế toán có thể bị rò rỉ từ việc gửi thư điện tử tới đơn vị hoặc các tổ chức, cá nhân bên ngoài, trao đổi qua mạng nội bộ. Các phần tử xấu có thể lợi dụng các thông tin, kết quả kế toán chưa chính thức, để thực hiện các mục đích phá hoại, gây ảnh hưởng tới DN.

Đề xuất, khuyến nghị

Để đổi mới quy trình kế toán trong thời đại CMCN 4.0, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Đầu tiên, về phía cơ quan quản lý Nhà nước

Xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực kế toán, trong cả ngắn hạn và dài hạn: chiến lược cần được căn cứ vào thực trạng kế toán, kiểm toán và những vấn đề do công nghệ số đặt ra; tập trung phát triển đảm bảo ngành kế toán vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với cơ chế thị trường và thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc công nghệ số.

Tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý đến lĩnh vực kế toán: phù hợp với sự phát triển của công nghệ. Trong đó, rà soát, đánh giá, xây dựng Luật Kế toán thay thế cho các Luật hiện hành, làm cơ sở để xây dựng và hoàn thiện tiếp khung pháp lý về kế toán. Nghiên cứu xây dựng Luật KTV công chứng theo hướng tiếp cận tối đa thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, phải gắn với những tác động của công nghệ số đối với ngành nghề kế toán, người làm công tác kế toán.

Nâng cao nhận thức: gắn với tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hoạt động tài chính, kế toán trong bối cảnh CMCN 4.0, cần có nhận thức đầy đủ và những biện pháp chủ động để hệ thống tài chính, kế toán vận hành có hiệu quả, hội tụ và hài hòa giữa các quốc gia; tranh thủ các lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ CMCN 4.0.

Quản lý an ninh mạng cũng là một vấn đề cần được chú trọng: CMCN 4.0 đã thúc đẩy mức độ chia sẻ thông tin, từ đó tạo ra một rủi ro rất lớn về an ninh mạng. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm dự phòng dữ liệu; nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, bảo đảm việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.

Thứ hai, về phía DN kế toán

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kế toán có trình độ cao và am hiểu công nghệ mới: theo đó, để bắt kịp với xu thế của thời đại, các DN vẫn cần xây dựng một tiến trình nhằm từng bước đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh, để đáp ứng với những thay đổi của công nghệ trong tương lai. Một đội ngũ KTV chuyên nghiệp, có thể kiểm tra các thông tin do máy tính tự động đưa ra cũng như xác định tính chính xác của những thông tin đó là điều kiện cần thiết đặt ra đối với các DN, trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật, nhất là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh nghề kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây…

Phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cho hoạt động kế toán: đồng thời phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính kế toán dựa trên công nghệ số. Song song với đó, cần trang bị những công cụ, những biện pháp bảo mật mới, quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự phòng và nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin trong toàn hệ thống.

Thứ ba, về phía các cơ sở đào tạo

Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo: những cơ hội cũng như thách thức từ cuộc CMCN 4.0, đòi hỏi các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo ngành kế toán tại các trường đại học phải có sự đổi mới rất căn bản. Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, phân tích đặc điểm của cuộc cách mạng này, để từ đó đổi mới trên tất cả các mặt, đặc biệt là đổi mới phương pháp đào tạo. Việc ứng dụng mô hình phòng kế toán ảo trong đào tạo sinh viên ngành kế toán, để nâng cao chất lượng dạy và học là cần thiết, nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng. Khi các phần mềm, chứng từ điện tử, chữ ký điện tử, các tính toán, luân chuyển và ghi chép thông tin trên mẫu biểu đã được chương trình hóa và tự động hóa, thì phải từng bước từ bỏ phương pháp giảng dạy kế toán theo chế độ, cũng như theo xử lý nghiệp vụ mang tính thủ công. Từ đó, giúp sinh viên vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn. Mặt khác, cần tăng cường đào tạo khả năng thực hành ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm để sau khi ra trường, đội ngũ này có thể sử dụng ngay vào công việc của mình một cách hiệu quả.

Chuẩn bị đội ngũ giảng viên có trình độ cao về chuyên môn: về công nghệ thông tin, hệ thống mạng… giảng viên ngành kế toán phải liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn, bằng cách thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị.

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng: nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo.

Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác giữa người và máy.

Tăng cường đào tạo gắn với thực tiễn: để thực hiện điều này, các cơ sở đào tạo cần phối hợp và thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, như: Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc,.. để xây dựng mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc với các loại hình DN khác nhau trong nền kinh tế. Nhằm giúp người học, có điều kiện tiếp cận dễ dàng công việc thực tế tại các DN, để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, trước khi tốt nghiệp. Mặt khác, việc tạo ra mối quan hệ này, sẽ giúp các trường thường xuyên lắng nghe được từ phía các DN, các nhà tuyển dụng chủ lực về những yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm đào tạo được cung cấp, cũng như sự thích hợp của chương trình đào tạo, để đáp ứng yêu cầu chất lượng đặt ra.

Chính những ý kiến và đóng góp của DN sẽ là cơ sở quan trọng, để các trường điều chỉnh kịp thời chuẩn đầu ra và đổi mới chương trình đào tạo một cách phù hợp. Ngoài ra, cần thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các DN trong và ngoài nước, bởi điều đó giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng tốt cho yêu cầu của DN.

Về phía KTV

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán cần ý thức được tầm quan trọng của công nghệ và những kỹ năng cần thiết để ứng dụng cho phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. Để có thể khai thác giá trị của công nghệ trong việc thu thập, lưu trữ, xử lý và truy xuất dữ liệu, đồng thời tổng hợp dữ liệu giao dịch cho việc lập báo cáo tài chính và phân tách dữ liệu để lập các báo cáo đột xuất, KTV cần phải có hiểu biết nhất định và thay đổi để thích ứng với các công nghệ mới, như: tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy, công nghệ blockchain, điện toán đám mây, ngôn ngữ báo cáo kinh doanh…

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội, (2015), Luật Kế toán, số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015.

2. Vũ Ðức Chính, (2020), “Triển khai chiến lược kế toán, kiểm toán Việt Nam: Kết quả và định hướng đến năm 2030”, Tạp chí Tài chính, số tháng 4/2020.

3. Ðỗ Tất Cường, (2020), “Dự báo những xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Tạp chí Tài chính”, số tháng 04/2020.

4. Trần Thị Ngọc Anh, (2019), “Tác động của Cuộc CMCN 4.0 đến lĩnh vực kế toán”, Tạp chí Tài chính Kỳ 2, tháng 9/2019.

5. Nguyễn Văn Bảo, (2020), “Cơ hội và thách thức đối với kế toán - kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh mới”, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2, tháng 12/2019.

6. Nguyễn Lộc, (2021), “Chuyển đổi số và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán”, Báo Kiểm toán, số 38/2021.

Nguồn: tapchiketoan

Xem thêm
Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Kinh nghiệm một số quốc gia trong quản lý chống thao túng báo cáo tài chính các công ty niêm yết

Kinh nghiệm một số quốc gia trong quản lý chống thao túng báo cáo tài chính các công ty niêm yết

Đánh giá tình hình tài chính các công ty thuỷ sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Đánh giá tình hình tài chính các công ty thuỷ sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến giá trị doanh nghiệp của các công ty logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến giá trị doanh nghiệp của các công ty logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Nghiên cứu hệ thống kế toán quản trị và kiểm soát

Nghiên cứu hệ thống kế toán quản trị và kiểm soát

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh