Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế dành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (IFRS for SME) Khả năng áp dụng ở Việt Nam


Bài viết tóm tắt quá trình ra đời của  Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (IFRS for SMEs) và đưa ra một số so sánh về điểm khác biệt giữa IFRS for SMEs và IFRS bản đầy đủ bao gồm: Khác biệt phát sinh từ việc xóa bỏ các chính sách kế toán thay thế; Sự khác biệt phát sinh từ việc loại bỏ một phần các lĩnh vực mà SMEs không phát sinh; Sự khác biệt phát sinh từ việc đơn giản hóa phiên bản đầy đủ; Sự khác biệt liên quan đến quá trình cập nhật và áp dụng hệ thống IFRS.

Bài viết phân tích quan điểm về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo IFRS for SMEs và theo Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam. Phân tích tình trạng các DNNVV ở Việt Nam. Cuối cùng, bài viết đưa ra đánh giá về khả năng áp dụng IFRS for SMEs ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập FTA và trong giai đoạn thực hiện các Hiệp định Thương mại. Nhận thức được vài trò và sự đóng góp của các DNNVV, trong sự phát triển của nền kinh tế Chính phủ đã tạo ra những điều kiện để hỗ trợ các DNNVV, tiếp tục phát huy và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Khi hội nhập các DN sẽ tự do hơn về rất nhiều mặt. Tự do hoạt động nhưng phải tuân theo cơ chế chọn lọc tự nhiên, bình đẳng với và tại tất cả các quốc gia mà Việt Nam đang hội nhập. Tự do hơn không chỉ trong giao thương, buôn bán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư,… mà còn tự do hơn trong cạnh tranh, tự do khiếu kiện và áp dụng các biện pháp trừng phạt, trả đũa, … nên đây là một thách thức rất lớn cho DNNVV chúng ta.

Để các DNNVV có thể phát triển và hội nhập thế giới hướng tới toàn cầu hóa, việc tuân thủ các chuẩn mực (CM) kinh doanh nói chung và CM về kế toán nói riêng, là vấn đề cần thiết và cấp bách. Cùng với các chính sách hỗ trợ cho các DNNVV như chế độ kế toán cho DNNVV, luật hỗ trợ DNNVV thì việc triển khai IFRS for SMEs tới các DNNVV ở Việt Nam, cũng cần được quan tâm và triển khai trong thời gian tới.

1. Tổng quan về IFRS for SMEs

1.1. Quá trình nghiên cứu ban hành IFRS for SMEs

Hội đồng CMKT Quốc tế (IASB- International Accounting Standard Board) được thành lập năm 2001, trên cơ sở phân tách từ ủy ban CMKT Quốc tế (International Accounting Standards Committee - IASC).

Nhận biết được những khó khăn mà các DNNVV gặp phải khi xây dựng báo cáo tài chính theo CM báo cáo tài chính quốc tế IFRS, cũng như đối tượng sử dụng thông tin tài chính khác biệt của các DNNVV, Hội đồng CMKT quốc tế đã nghiên cứu xây dựng bộ CMKT dành cho các DNNVV.

Tháng 6/2004, Hội đồng CMKT quốc tế (IASB) công bố tài liệu thảo luận “Những quan điểm chủ yếu về CMKT áp dụng cho các DNNVV” để lấy ý kiến của các tổ chức và chuyên gia kế toán trên toàn cầu. Tính đến tháng 9/2004, đã có 121 ý kiến bằng văn bản của các tổ chức tài chính, kế toán, kiểm toán lớn liên quan đến vấn đề nghiên cứu, ban hành CMKT áp dụng cho các DNNVV. Hầu hết, các ý kiến phản hồi đều cho thấy sự cần thiết ban hành một CMKT riêng áp dụng cho các DNNVV.

Tháng 2/2007, bản Dự thảo IFRS áp dụng cho các DNNVV được công bổ để lấy ý kiến công luận. Tính đến 30/11/2007, đã có 162 ý kiến phản hồi bằng văn bản của các tổ chức tài chính, kế toán, kiểm toán trên toàn cầu về bản dự thảo CM.

Tháng 6/2007, áp dụng thực nghiệm bản Dự thảo CM, với sự tham gia của 160 DNNVV ở 20 nước.

Tháng 6/2009, hội đồng bỏ phiếu thông qua CM với 13/14 phiếu thuận và 1/14 phiếu không đồng ý. Tháng 7/2009, IASB công bố toàn văn CM, CM chính thức có hiệu lực, áp dụng từ năm tài chính 2010.

IFRS for SMEs (International Financial Statement Standards for Small and Medium sized Entities) là một tài liệu độc lập được chia thành 35 phần; 8 phần đầu tiên tương tự như tài liệu Framework và IAS 1; các phần còn lại có tiêu đề tương tự với các tiêu đề được sử dụng trong IFRS đầy đủ, ngoại trừ Công cụ tài chính được chia thành hai phần: “Công cụ tài chính cơ bản” và “Các vấn đề tài chính khác” và có một mục gọi là 'Các khoản nợ và vốn cổ phần'.

1.2. Một số điểm khác biệt với IFRS

Mục tiêu chính của việc phát triển các CMKT cho DNNVV, là cung cấp các nguyên tắc chung trong việc đưa ra các thông tin phù hợp, đáng tin cậy và có ích. Qua đó, đưa ra các tiêu chuẩn kế toán chất lượng cao, dễ hiểu cho các DNNVV.

Các quy định của IFRS for SMEs được xây dựng trên cơ sở bộ CM đầy đủ IFRS hiện hành, theo hướng đơn giản hóa một số nội dung phức tạp mà các DNNVV không phát sinh hoặc có phát sinh nhưng ảnh hưởng thường không trọng yếu, với tổng dung lượng là 230 trang, so với bộ CM đầy đủ IFRS là 3000 trang. Khác với bộ CM đầy đủ xây dựng nhiều CM riêng cho từng vấn đề của kế toán, IFRS for SMEs chỉ xây dựng một CM chung duy nhất và được kết cấu theo các phần nội dung.

Một số nội dung về cơ bản IFRS for SMEs tương tự với bộ CM đầy đủ IFRS như: Trình bày báo cáo tài chính; Định nghĩa về tài sản, nợ phải trả, thu nhập, chi phí; thuê tài sản,…

Sự khác biệt chính giữa IFRS for SMEs IFRS xuất phát từ nỗ lực của IASB (International Accounting Standard Board) nhằm giảm thiểu những nội dung không phù hợp, không phát sinh ở các DNNVV.

Sự khác biệt có thể được chia thành các nhóm sau:

a) Khác biệt phát sinh từ việc xóa bỏ các chính sách kế toán thay thế (so với phiên bản đầy đủ của IFRS các chính sách kế toán thay thế vẫn tồn tại):

Tài sản vô hình (giá trị được đánh giá theo chi phí khi sát nhập, giá trị của tài sản vô hình có thể được điều chỉnh bởi khấu hao lũy kế và lỗ do giảm giá)

Giá trị ghi sổ của tài sản, nhà máy và thiết bị cũng được đánh giá theo chi phí mua lại, có thể được điều chỉnh bằng khấu hao lũy kế và tổn thất về thiệt hại).

Các khoản đầu tư vào tài sản (được đánh giá bằng giá trị thực, có thể được ghi nhận như là một tài sản dài hạn).

Ghi nhận đầu tư vào các công ty liên doanh (trong trường hợp hợp nhất không được sử dụng).

Ghi nhận trợ cấp (thiếu các tài liệu tham khảo về các khoản trợ cấp, các khoản làm giảm giá trị của tài sản dài hạn. Có nghĩa là, tất cả các khoản trợ cấp đều được ghi nhận là doanh thu ngay tức thì - trong trường hợp trợ cấp không điều kiện hoặc trợ cấp có điều kiện sau khi tuân thủ các tiêu chí).

b) Sự khác biệt phát sinh từ việc loại bỏ một phần các lĩnh vực, tồn tại trong phiên bản đầy đủ của hệ thống IAS / IFRS nhưng không có giá trị trong IFRS for SMEs:

Báo cáo tài chính tạm thời,

Ghi nhận và trình bày thu nhập trên mỗi cổ phiếu,

Báo cáo bộ phận,

Tài sản dài hạn được giữ để bán và ngừng hoạt động.

IFRS for SMEs không bao gồm một số các lĩnh vực, nhưng kế toán cần ghi lại giao dịch từ các lĩnh vực này và có nghĩa vụ báo cáo theo cách trình bày của mình. Điều này có nghĩa là, các đơn vị nhỏ và vừa không bắt buộc phải tuân theo phiên bản đầy đủ của hệ thống IAS /IFRS, và có thể quyết định cách thức báo cáo và trình bày riêng của mình.

 c) Sự khác biệt phát sinh từ việc đơn giản hóa phiên bản đầy đủ:

Sự khác biệt trong ghi chép hoặc đánh giá:

Chi phí đi vay luôn được ghi nhận là chi phí và không được phép ghi nhận vào giá mua tài sản.

Chi phí phát triển và nghiên cứu luôn được ghi nhận là chi phí, không được phép ghi nhận là các tài sản vô hình trong sản xuất kinh doanh.

Tài sản cố định vô hình phải có thời gian sử dụng hữu ích, tài sản không thể xác định được thời gian sử dụng hữu ích được coi là có thời hạn sử dụng hữu ích 10 năm. Điều này có nghĩa là tất cả các tài sản vô hình, bao gồm cả lợi thế thương mại, phải được phân bổ.

Tài sản sinh học (biological assets: ví dụ vật nuôi ở các trong trại) chỉ được đánh giá bằng giá trị thực nếu có thể được xác định mà không cần bỏ thêm chí phí để đánh giá, nếu không thì có thể đánh giá theo chi phí ghi sổ.

Các công cụ tài chính phải được chia thành nhóm các công cụ tài chính cơ bản được đánh giá theo giá mua, và nhóm các công cụ tài chính khác được đánh giá theo giá trị thực - ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của DN. Việc tiêu hủy tài sản cũng được đơn giản hóa (từ bảng cân đối kế toán)

Hoàn trả cổ phiếu – đánh giá đựa trên giá trị thực, là giá trị được đánh giá dựa trên ước tính tốt nhất trong quản trị DN.

Thời gian sử dụng hữu ích, giá trị còn lại và cách tiếp cận khấu hao đất, tài sản, thiết bị và các tài sản vô hình khác không phải điều chỉnh lại vào cuối mỗi kỳ kế toán khi có dự báo rằng chúng không thay đổi từ tài khoản cuối cùng năm ngoái.

Các yêu cầu về công bố và ghi chép hệ thống kế toán khá đơn giản, yêu cầu thấp hơn về công bố thông tin kế toán không chỉ trong báo cáo cuối cùng mà còn trong các nhận xét cho các báo cáo cuối cùng.

d) Sự khác biệt liên quan đến quá trình cập nhật và áp dụng hệ thống IAS /IFRS (hoặc IFRS for SMEs).

Các giải pháp đơn lẻ sẽ không bị thay đổi trong từng phần đơn lẻ của IFRS for SMEs; IASB đang soát xét lại từng CM và thay đổi CM hiện hành phù hợp với người sử dụng trong hệ thống kế toán và phù hợp với những thay đổi của IFRS phiên bản đầy đủ.

Khi các IFRS for SMEs được áp dụng năm đầu tiên trong các DN, cần được tiến hành tuân theo chương 35 của IFRS for SMEs (đơn giản hơn so với IFRS 1) và DN có thể tuân theo IFRS bản đầy đủ hoặc hệ thống kế toán quốc gia.

2. Khả năng áp dụng IFRS for SMEs ở Việt Nam

2.1. Định nghĩa DNNVV (SMEs Small and Medium sized Entities)

2.1.1. DNNVV theo quan điểm Việt Nam

Theo Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14, ban hành ngày 12/06/2017.

DNNVV bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:

a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;

b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

DN siêu nhỏD, DNNVV được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.

Như vậy, tất cả các DN thuộc mọi thành phần kinh tế có đăng ký kinh doanh và thoả mãn một trong hai điều kiện trên đều được coi là DNNVV.

2.1.2. DNNVV theo quan điểm của IFRS for SMEs

DNNVV là những DN thỏa mãn 2 tiêu chí sau:

a) Không chịu trách nhiệm cộng đồng

b) Phát hành báo cáo tài chính với mục đích chung cho những người sử dụng bên ngoài DN (ví dụ: cổ đông không tham gia điều hành, chủ nợ tiềm năng, đơn vị đánh giá tín dụng,…).

Như vậy, theo quan điểm của IFRS for SME không đề cập đến vấn đề số lượng lao động, cũng như tổng nguồn vốn và doanh thu để đánh giá DNNVV. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN không chịu trách nhiệm cộng đồng (không phát hành cổ phiếu và không tham gia thị trường vốn) thường là những DN có quy mô về lao động ít, không không lớn.

Các DN không chịu trách nhiệm cộng đồng là các DN:

 (a) Có các khoản nợ hoặc các công cụ cổ phần được giao dịch trên thị trường công cộng hoặc đang trong quá trình phát hành các công cụ này, để kinh doanh trên thị trường chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài hoặc một thị trường tự do (bao gồm thị trường địa phương và khu vực).

(b) Nắm giữ tài sản có khả năng ủy thác cho một nhóm lớn bên ngoài là một trong những hoạt động chính của nó. Hầu hết, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, môi giới chứng khoán /đại lý, các quỹ tương hỗ và các ngân hàng đầu tư sẽ đáp ứng tiêu chí thứ hai này.

2.2. Thực trạng của các DNNVV trong nền kinh tế Việt Nam và khả năng áp dụng IFRS for SMEs.

2.2.1.   Thực trạng các DNNVV ở Việt Nam.

Phân loại theo quy mô lao động và tài sản kinh doanh thì 97% số DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Đây là hiện trạng phổ biến. Tuy nhiên, khoảng cách về quy mô của DNNVV tư nhân so với các DN khác lại khá lớn; Vốn bình quân chỉ bằng 1,5% mức vốn bình quân của một DN Nhà nước (DNNN) và 8% của DN FDI; Tài sản cố định bình quân chỉ khoảng bốn đến bảy tỷ đồng /DN, bằng 1% của DNNN và 5% của DN FDI. Mặc dù, chiếm đến hơn 97% về số lượng, nhưng DNNVV chiếm chưa đến 40% tổng tài sản; Trong khi, các DN quy mô lớn chiếm chưa đến 3% nhưng nắm giữ đến 60% tổng tài sản của toàn bộ khối DN.

DNNVV đóng vai trò rất quan trọng, trong nền kinh tế quốc dân. DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, … Hàng năm, các DNNVV đã tạo ra trên một triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước.

2.2.2.   Khả năng áp dụng IFRS for SMEs ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng, đã có những văn bản pháp lý nhằm hỗ trợ tối đa cho các DNNVV, cụ thể bao gồm:

Chế độ kế toán dành cho DNNVV

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV, trong việc áp dụng và thực hiện chế độ kế toán DN, Bộ Tài chính đã ban hành TT 133/2016/TT-BTC, hướng dẫn chế độ kế toán DNNVV.

TT 133 đã dần đổi mới, tạo sự linh hoạt và thuận lợi cho các DN và giúp cho chế độ kế toán Việt Nam, tiệm cận với với các CM kiểm toán quốc tế.

Có thể nói, TT 133/2016/TT-BTC, với những quy định về chế độ kế toán DNNVV đã tạo ra nhiều bước đột phá mới hướng đến DN là đối tượng áp dụng làm trung tâm, ưu tiên mục đích quản trị DN hơn mục đích quản lý Nhà nước. Những đổi mới này, không những tạo thuận lợi cho DN mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế,…

Luật hỗ trợ DNNVV

Việt Nam cũng như các quốc gia khác, ngày càng nhận thấy rõ vai trò quan trọng của DNNVV trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và cố gắng thực thi nhiều chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV. Trong đó, Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14, ban hành ngày 12/06/2017, sẽ có hiệu lực từ 01/01/2018, là một sự khẳng định về những nỗ lực của Chính phủ, nhằm giúp đỡ và phát triển các DNNVV.

Có thể nói, đây là luật đầu tiên ở Việt Nam chuyên về vấn đề hỗ trợ DNNVV, tạo khung pháp lý có hiệu lực cao nhất hiện nay, làm căn cứ cho triển khai hoạt động hỗ trợ DNNVV trên toàn quốc. Luật đã thể hiện một cách có hệ thống, theo nhu cầu của DN về 8 nội dung hỗ trợ chung, xác định ba trọng tâm hỗ trợ có mục tiêu. Đồng thời, giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan trung ương cũng như địa phương, tạo sự đồng bộ, thống nhất, có định hướng trọng tâm trong hỗ trợ DNNVV. Luật đã thể hiện sự thay đổi căn bản quan điểm từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ hỗ trợ, kiến tạo; Khẳng định sự tham gia của các hiệp hội DN với trách nhiệm cụ thể; Thể hiện luật, chính sách do Nhà nước ban hành, nhưng có sự tham dự tích cực của đối tượng chịu sự điều chỉnh.

IFRS for SMEs và khả năng áp dụng ở Việt Nam

Trong thời gian vừa qua, IFRS đã được Bộ Tài chính và các tổ chức nghề nghiệp triển khai, thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn. Mặc dù, DNNVV có thể lựa chọn tuân thủ IFRS bản đầy đủ. Tuy nhiên, việc tuân thủ IFRS đối với các DNNVV là điều khó có thể áp dụng. Vì vậy, IFRS for SMEs sẽ là CM phù hợp đối với các DNNVV ở Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, việc phát triển các DNNVV có khả năng huy động từ thị trường vốn và hội nhập quốc tế, yêu cầu các DNNVV cần có hệ thống báo cáo tài chính minh bạch tuân thủ các CMKT Việt Nam, cũng như CMKT quốc tế.

Mặc dù, việc áp dụng IFRS nói chung và IFRS for SMEs nói riêng tại Việt Nam, đang còn nhiều thách thức và khó khăn do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, việc áp dụng IFRS for SMEs là cần thiết tạo cơ sở cho các DNNVV tiếp cận thị trường vốn cũng như vươn xa ra thị trường quốc tế.

Kết luận        

Tóm lại, để tồn tại và phát triển vững chắc trong thời kỳ hội nhập, các DNNVV chúng ta cần xác định rõ vai trò vị trí của mình, phát hiện đúng xu thế phát triển của thời đại, của thị trường và của địa phương mình trong thời kỳ hội nhập, phải biết cách tạo thế đứng thật vững chắc để tồn tại và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, sớm đuổi kịp các nước cùng một sân chơi hội nhập với chúng ta. Để làm được điều đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách thì các DNNVV, cũng cần chủ động tuân thủ các CM kinh doanh, CM quản lý kinh tế cũng như tài chính, kế toán quốc tế./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính (2016), Thông tư 133/2016/TT-BTC về chế độ kế toán DNNVV

2. Quốc hội (2017), Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH2017.

3. IASB, 2010, IFRS for SMEs.

4. IASB (2011), Presentations about IFRS for SMEs, Implementing the IFRS for SMEs.

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) - Bài viết của Ths. Lê Thị Ngọc Phương * Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Xem thêm
Kế toán – kiểm toán và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Kế toán – kiểm toán và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cơ sở pháp lý liên quan đến các khoản dự phòng trong doanh nghiệp hiện nay: Thực trạng và kiến nghị

Cơ sở pháp lý liên quan đến các khoản dự phòng trong doanh nghiệp hiện nay: Thực trạng và kiến nghị

Những vấn đề đặt ra đối với quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay

Những vấn đề đặt ra đối với quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay

Kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái trong các doanh nghiệp Việt Nam theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế: Mô hình nghiên cứu lý thuyết

Kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái trong các doanh nghiệp Việt Nam theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế: Mô hình nghiên cứu lý thuyết

Nội dung cơ bản của Luật Kế toán 2015 liên quan đến trình bày và công bố thông tin trên báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam

Nội dung cơ bản của Luật Kế toán 2015 liên quan đến trình bày và công bố thông tin trên báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh