Kế toán quản trị, kế toán tài chính và kế toán chi tiết


Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung hệ thống kế toán chỉ được phân thành kế toán tổng hợp (KTTH) và kế toán chi tiết (KTCT) không đặt ra vấn đề thông tin cho các đối tượng bên ngoài và thông tin cho nội bộ đơn vị. Tuy vậy, đối với người bên ngoài (chủ yếu là các cơ quan quản lý Nhà nước) thì thường chỉ cần những thông tin ở giác độ tổng hợp; còn những người quản lý trong đơn vị thì thông tin bao gồm cả các mức độ tổng hợp và chi tiết khác nhau, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, các đơn vị hoạt động theo quy luật cạnh tranh, mỗi đơn vị kinh doanh cần phải có những thông tin nội bộ phục vụ quản lý và các quyết định kinh doanh của đơn vị; đồng thời cũng phải có những thông tin cần được công bố cho các đối tượng bên ngoài. Điều này dẫn đến hệ thống kế toán không thể chỉ đơn thuần gồm KTTH và KTCT như trước, mà phải được phát triển và phân thành kế toán tài chính (KTTC), kế toán quản trị (KTQT). Như vậy, trong hệ thống kế toán  Việt Nam tồn tại cả 4 khái niệm: KTTC, KTQT, KTTH, KTCT.

Những quy định liên quan KTTC, KTQT, KTTH, KTCT trong Luật Kế toán

Trong Luật Kế toán, ở Điều 4 và Điều 10 có nêu về KTTC, KTQT, KTTH, KTCT như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

2. KTTC là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kế toán, tài chính bằng báo cáo tài chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán.

3. KTQT là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kế toán, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán. …”

Điều 10. KTTC, KTQT, KTTH, KTCT

1. Kế toán ở đơn vị kế toán gồm KTTC và KTQT.

2. Khi thực hiện công việc KTTC và KTQT, đơn vị kế toán phải thực hiện KTTH và KTCT như sau:

a)     KTTH phải thu thập, xử lý, ghi chép và cung cấp thông tin tổng quát về hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị. KTTH sử dụng đơn vị tiền tệ để phản ánh tình hình tài sản, nguồn hình thành tài sản, tình hình và kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán;

b)    KTCT phải thu thập, xử lý, ghi chép và cung cấp thông tin chi tiết bằng đơn vị tiền tệ, đơn vị hiện vật và đơn vị thời gian lao động theo từng đối tượng kế toán cụ thể trong đơn vị kế toán. KTCT minh họa cho KTTH. Số liệu KTCT phải trùng khớp với số liệu KTTH trong một kỳ kế toán.

Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng KTQT phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động

Xin có bình luận về những quy định trên:

Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường, khái niệm KTTC và KTQT phản ánh đầy đủ hơn nội dung công việc kế toán trong một đơn vị kế toán so với khái niệm KTTH và KTCT. Với khái niệm KTTC và KTQT sẽ chỉ ra công việc kế toán phải làm để đạt được mục đích về cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng khác nhau; ngoài ra đó còn là sự quy định về mặt pháp lý trong tổ chức hệ thống kế toán ở đơn vị kế toán. Còn khái niệm KTTH và KTCT phản ánh quá trình xử lý thông tin kế toán theo các mức độ tổng hợp hay chi tiết, gắn liền với đặc điểm của đối tượng kế toán và yêu cầu thông tin về đối tượng kế toán cần tổng hợp hay chi tiết đến mức độ nào. Công việc này chỉ mang tính nghiệp vụ được tiến hành ở mỗi đơn vị kế toán, không mang tính pháp lý.

Trong Luật Kế toán ở một số quốc gia trên thế giới, khái niệm KTTH và KTCT không được đề cập mà chỉ có đề cập về KTTC và KTQT. Riêng về KTCT, một số ít trường hợp cũng được đề cập đến (như Luật Kế toán Trung Quốc), nhưng chỉ ở giác độ là yêu cầu đối với sổ kế toán theo dõi các tài sản quan trọng (hàng tồn kho, tài sản cố định, công nợ…) thì phải mở chi tiết theo từng đối tượng cụ thể.

Như vậy, có thể nói, khái niệm KTTC và KTQT có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc phản ánh nội dung công việc kế toán ở đơn vị kế toán. Thế nhưng, các khái niệm này chỉ được nêu ở Điều “Giải thích từ ngữ” (Điều 4), trong khi đó các khái niệm KTTH và KTCT lại được nêu ở Điều trình bày riêng về KTTC, KTQT, KTTH, KTCT (Điều 10).

Thứ hai, nội dung Điều 10 cũng cần xem xét lại.

  • Với tiêu đề, người đọc hiểu là ở Điều này sẽ quy định những điểm có liên quan đến thực hiện KTTC, KTQT, KTTH, KTCT, nhưng nội dung trình bày hoàn toàn không phải như vậy.
  • Khoản 1 của Điều này nêu: “Công việc kế toán ở đơn vị kế toán gồm KTTC và KTQT”. Như vậy, trong đơn vị kế toán không bao gồm KTTH và KTCT hay KTTH và KTCT đã được bao hàm trong KTTC và KTQT? (Vì ở tiêu đề đã nêu cả 4 khái niệm).
  • Khoản 2 của Điều này nêu: “Khi thực hiện công việc KTTC và KTQT, đơn vị kế toán phải thực hiện KTTH và KTCT như sau: a) Kế toán tổng hợp … ; b) Kế toán chi tiết … ” (Như đã nêu ở Điều 10 ở trên).

Nội dung trình bày trên có một số điểm chưa rõ đối với người đọc như: (1) Mối quan hệ giữa KTTC, KTQT với KTTH, KTCT như thế nào mà khi thực hiện KTTC và KTQT phải thực hiện KTTH và KTCT ? (2) Phải thực hiện như thế nào ? Thực hiện kết hợp với nhau hay thực hiện để đạt được mục đích ? (3) Có cần thiết phải thực hiện KTTH, KTCT trong tất cả các trường hợp không? Chẳng hạn với KTQT có nhất thiết phải thực hiện cả KTTH không?...

Nhìn chung, ở Điều 10 trình bày tiêu đề chưa thật hợp lý, nội dung chưa thật rõ ràng. Mặt khác, với một văn bản luật thì những vấn đề mang tính nghiệp vụ như KTTH và KTCT, không cần thiết phải trình bày ở một Điều luật như vậy.

Kết luận

Để sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Kế toán, xin có một số góp ý:

  • Điểm a, b, Khoản 2, Điều 10: nên bỏ và nếu cần thiết thì sẽ được trình bày ở các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kế toán.
  • Điều 10 nên xem xét trình bày lại:

-       Về tiêu đề: Để logic với những điều trình bày ở trước (từ Điều 5 đến Điều 9), tiêu đề của Điều 10 nên điều chỉnh là: “Nội dung kế toán”.

-       Về nội dung: Gồm 3 khoản, 1 khoản trình bày về nội dung kế toán, 2 khoản còn lại trình bày những quy định về KTTC và KTQT.

-       Về Khoản 3 của Điều này: “Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng KTQT phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động”, theo tôi, không cần Khoản này. Vì KTQT luôn phải xuất phát từ đặc điểm hoạt động và yêu cầu về thông tin cho quản trị của từng đơn vị kế toán, mà mỗi đơn vị kế toán đều có những đặc thù riêng. Điều này đòi hỏi đơn vị kế toán phải có người am hiểu KTQT và nghiên cứu từ thực tế của đơn vị để xây dựng mô hình KTQT cho phù hợp, chứ không thể hướng dẫn chung cho tất cả các đơn vị kế toán được. Trên thực tế, Thông tư 53/2006/TT-BTC, ngày 12/6/2006 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn áp dụng KTQT trong doanh nghiệp”, cũng chỉ mang tính khái quát từ lý thuyết mà những người am hiểu về KTQT đã biết. Vấn đề là làm sao triển khai vận dụng được những hiểu biết này trong điều kiện cụ thể của đơn vị mình.

Từ những phân tích trên, xin nêu cụ thể về Điều 10 như sau:

Điều 10. Nội dung kế toán

1)    Nội dung kế toán ở đơn vị kế toán gồm KTTC và KTQT.

2)    Thực hiện KTTC phải bảo đảm tuân thủ những quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

3)    Thực hiện KTQT phải thiết thực, xuất phát từ đặc điểm và yêu cầu về thông tin cho quản trị của đơn vị kế toán.”/.

 

Tài liệu tham khảo

  1. 1.      Luật Kế toán (QH thông qua ngày 17/6/2003).
  2. 2.      Chế độ kế toán doanh nghiệp (QĐ số 15/2006/QĐ-BTC)
  3. 3.      Thông tư 53/2006/TT-BTC “Hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN”.
  4. 4.      www.agc.gov.my

novexcn.com/accounting_law

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của PGS. TS Ngô Hà TấnĐại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

Xem thêm
Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (VAS 28)

Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (VAS 28)

Sự vận động của Tài sản và Nguồn vốn trên các Tài khoản

Sự vận động của Tài sản và Nguồn vốn trên các Tài khoản

Loại hình kế toán Động với mô hình giá gốc

Loại hình kế toán Động với mô hình giá gốc

Cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ

Cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ

Kế toán vật liệu, sản phẩm làm dở tại các doanh nghiệp sản xuất: Thực trạng và kiến nghị

Kế toán vật liệu, sản phẩm làm dở tại các doanh nghiệp sản xuất: Thực trạng và kiến nghị

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh