Nội dung cơ bản của Luật Kế toán 2015 liên quan đến trình bày và công bố thông tin trên báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam


Trước sức ép của quá trình hội nhập quốc tế, trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, chính thức được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2017. Luật Kế toán 2015, được coi như bước ngoặt quan trọng để cải cách căn bản hệ thống Kế toán Việt Nam, nhằm phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường và tiệm cận với các thông lệ kế toán quốc tế. Luật kế toán 2015 sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới, có tác dụng tích cực trong xử lý các giao dịch kinh tế và trình bày thông tin kế toán ở các doanh nghiệp (DN), một trong những thay đổi đó là những quy định về trình bày và công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC) DN. Để thấy được những thay đổi trong quy định của Luật Kế toán 2015. Về nội dung này, bài viết sẽ hệ thống lại những nội dung cơ bản của luật kế toán 2015 liên quan đến trình bày và công bố thông tin trên BCTC DN.

Luật Kế toán 2015 - bước ngoặt trong cải cách hệ thống Kế toán Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập

Việc sửa đổi Luật Kế toán cũng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng của công tác kế toán, với vai trò là công cụ trong quản lý tài chính, vốn, tài sản của Nhà nước, của DN, là công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước. Luật Kế toán năm 2015, thực sự cải cách căn bản hệ thống kế toán Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường và tiệm cận với các thông lệ kế toán trên thế giới. Luật Kế toán năm 2015 được đánh giá là sẽ có tác động sâu, rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Kế toán được ban hành và triển khai vào thực tiễn trong bối cảnh các điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường nghề nghiệp về kế toán – kiểm toán có những ý nghĩa nhất định:

Thứ nhất, Luật Kế toán đánh dấu một bước tiến mới, tạo tiền đề và động lực thúc đẩy tiến trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán ở Việt Nam. Các điểm mới được đề cập trong Luật như các nguyên tắc kế toán đã được cập nhật theo thông lệ quốc tế,... tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, ban hành mới và sửa đổi hệ thống Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và hệ thống các văn bản dưới luật khác sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiến tới áp dụng các nguyên tắc và thông lệ kế toán tốt nhất ở Việt Nam.

Thứ hai, Luật Kế toán đã thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện để các đơn vị kế toán phát huy sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin. Vấn đề quản lý Nhà nước về hoạt động kế toán và công tác kế toán trong nội bộ DN được phân định khá rõ trong Luật. Đây là một bước tiến quan trọng, trong quan điểm xây dựng khung pháp lý về kế toán, tiệm cận với thông lệ về kế toán các nước hiện nay.

Thứ ba, Luật Kế toán đã tạo hành lang pháp lý để tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của các nhà đầu tư, công chúng đối với thông tin tài chính của các đơn vị kế toán, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác kế toán, tăng cường tính minh bạch của thông tin trong xã hội. Đặc biệt, các quy định về công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ mới được sửa đổi, bổ sung vào Luật còn hướng đến tăng cường công tác quản trị DN, bảo vệ tài sản và phòng chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong các hoạt động kinh tế, góp phần trực tiếp vào thực hiện chủ trương phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang được triển khai rất quyết liệt, trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, các nội dung được sửa đổi và bổ sung về kế toán Nhà nước, đã tạo hành lang pháp lý cơ bản cho việc hoàn thiện công tác kế toán nhà nước. Đặc biệt, các quy định về báo cáo tài chính Nhà nước là một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật. Trên cơ sở đó, khung pháp lý về kế toán Nhà nước có tiền đề để hoàn thiện căn bản theo hướng phù hợp với thông lệ kế toán các nước, góp phần tăng cường minh bạch tài chính công trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Thứ năm, vấn đề hành nghề kế toán được đề cập khá rõ ràng và có nhiều điểm mới trong Luật Kế toán

Đây chính là tiền đề để tiếp tục ban hành, hoàn thiện các quy định về quản lý hành nghề kế toán, tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường dịch vụ kế toán theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, sẵn sàng tham gia, liên thông với thị trường dịch vụ kế toán của các nước thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN và các nước trên thế giới.

Khái quát nội dung cơ bản của Luật Kế toán 2015, liên quan đến trình bày và công bố thông tin trên BCTCDN Việt Nam

Luật Kế toán năm 2003 là văn bản pháp luật cao nhất về kế toán, đã được chuẩn hóa nhiều nguyên tắc, nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán và hoạt động nghề nghiệp kế toán. Sau khi Luật Kế toán 2003 được ban hành và đi vào thực hiện, hoạt động kế toán đã được cả xã hội quan tâm, từ công tác đào tạo cán bộ kế toán, tổ chức công việc kế toán, lập và trình bày BCTC giúp công khai, minh bạch về quản lý tài chính Nhà nước cũng như DN, khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực thị trường tài chính, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Kế toán, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế dẫn đến nhiều nhân tố mới, yêu cầu mới đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi căn bản trong quản lý kinh tế nói chung và công tác kế toán nói riêng. Theo đó, một số những quy định của Luật Kế toán ban hành năm 2003 đã không còn phù hợp, thiếu minh bạch và thiếu tính khả thi. Trước những bất cập trong nội tại quy định của Luật Kế toán và những đòi hỏi có tính cấp bách của yêu cầu hội nhập, khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định đối tác chiến lược song phương và đa phương với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã tham gia thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế, tham gia hội nhập kế toán, hài hòa các chuẩn mực trong khuôn khổ khối ASEAN, cam kết thực hiện công nhận lẫn nhau trong hành nghề kế toán, kiểm toán. Và đặc biệt, năm 2015 Việt Nam gia nhập Hội kinh tế Đông á buộc Việt Nam phải mở cửa toàn diện thị trường dịch vụ Kế toán,... đã đòi hỏi Luật Kế toán Việt Nam phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo cơ sở nền tảng pháp lý cho Việt Nam có thể thực hiện việc ký kết và tuân thủ các quy định, cam kết nói chung, theo hướng phù hợp với quy định chung và thông lệ của các nước trong khu vực và thế giới. Để đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, Luật Kế toán Việt Nam số 88/2015/QH13 sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua, ngày 20/11/2015. Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Kế toán ban hành năm 2015, liên quan đến trình bày và công bố thông tin trên BCTCDN có thể được khái quát lại và chia thành 3 nhóm cơ bản sau:

Thứ nhất: Nhóm các điều luật sửa đổi bổ sung, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán.

Đây được xem là nhóm điều luật quan trọng nhất, nhằm đưa kế toán Việt Nam hội nhập với những khuôn mẫu chung của quốc tế về kế toán. Nhóm các điều luật sửa đổi này đặc biệt nhấn mạnh đến các quy định về nguyên tắc kế toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và nâng cao trách nhiệm của các đơn vị kế toán trong tuân thủ các quy định của pháp luật về tài chính và kế toán. Thể hiện sự thay đổi có tính đột phá nhất trong quy định của Luật Kế toán Việt Nam đó là Luật đã bổ sung nguyên tắc kế toán “Giá trị hợp lý”. Điều này đã tác động tích cực đến việc đưa kế toán Việt Nam phù hợp với thông lệ và Chuẩn mực BCTC quốc tế, đồng thời tăng tính minh bạch, trung thực, hợp lý của BCTC, đảm bảo phản ánh đúng thực trạng tài chính của DN ở thời điểm báo cáo, tránh rủi ro cho các nhà đầu tư, giúp ổn định và phát triển kinh tế bền vững. Cụ thể:

(i): Sửa đổi nguyên tắc của Luật Kế toán (Khoản 1, Điều 6, Luật Kế toán), theo đó, “Nguyên tắc giá thị trường” sẽ được áp dụng, cụ thể:

+ Tài sản hoặc nợ phải trả mà có giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy sẽ được điều chỉnh theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập BCTC. Trong đó, giá trị hợp lý là giá trị được xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả, tại thời điểm xác định giá trị.

+ Bổ sung khái niệm giá gốc. Giá gốc là giá trị được ghi nhận ban đầu của tài sản hoặc nợ phải trả. Giá gốc của tài sản được tính bao gồm chi phí mua, bốc xếp, vận chuyển, lắp ráp, chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác theo quy định của pháp luật, đến khi đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

(ii) Quy định về việc đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý cụ thể là (Điều 28 Luật Kế toán): Các loại tài sản và nợ phải trả được đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý, tại thời điểm cuối kỳ lập BCTC gồm:

+ Công cụ tài chính theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán phải ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý;

+ Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế;

+ Các tài sản hoặc nợ phải trả khác có giá trị biến động thường xuyên, theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán phải được đánh giá lại theo giá trị hợp lý.

Việc đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý phải bảo đảm có căn cứ xác thực. Trường hợp, không có cơ sở để xác định được giá trị một cách đáng tin cậy, thì tài sản và nợ phải trả được ghi nhận theo giá gốc. Cụ thể, các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý sẽ do Bộ Tài chính quy định.

(iii) Bổ sung, sửa đổi những qui định về nội dung BCTC của đơn vị kế toán (Điều 29, Luật Kế toán 2015): BCTC của đơn vị kế toán, dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. BCTC của đơn vị kế toán gồm: (1) Báo cáo tình hình tài chính; (2) Báo cáo kết quả hoạt động; (3) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; (4) Thuyết minh BCTC; (5) Báo cáo khác theo quy định của pháp luật. Việc lập BCTC của đơn vị kế toán được thực hiện như sau:

Đơn vị kế toán phải lập BCTC vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập BCTC theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó;

Việc lập BCTC phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập BCTC tổng hợp hoặc BCTC hợp nhất, dựa trên BCTC của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên;

BCTC phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp BCTC trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do;

BCTC phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký BCTC phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.

BCTC năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính quy định chi tiết về BCTC cho từng lĩnh vực hoạt động; trách nhiệm, đối tượng, kỳ lập, phương pháp lập, thời hạn nộp, nơi nhận báo cáo và công khai BCTC.

Theo Điều 29 của Luật Kế toán 2015 thì BCTC chỉ phân loại cho từng khu vực kinh doanh, còn tên của các BCTC sẽ do Bộ Tài chính quy định cụ thể trong chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam, theo đó sẽ tạo ra sự ổn định lâu dài của Luật và sự linh hoạt kịp thời trong việc thay đổi chính sách, chế độ kế toán đảm bảo phù hợp với thông lệ và chuẩn mực BCTC quốc tế.

Bên cạnh đó, những quy định bổ sung về: quy định đơn vị kế toán được làm tròn số, sử dụng đơn vị tính rút gọn khi lập hoặc công khai BCTC (Khoản 3, Điều 10 Luật Kế toán); Bổ sung quy định nghiêm cấm đối với hành vi lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các BCTC có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán (Khoản 10, Điều 13, Luật Kế toán); Quy định mới về việc sửa chữa sổ kế toán trong trường hợp ghi sổ bằng phương tiện điện tử chỉ được thực hiện theo một phương pháp duy nhất là ghi điều chỉnh bằng cách lập “chứng từ điều chỉnh” và ghi thêm số chênh lệch cho đúng (Khoản 4, Điều 27, Luật Kế toán); bổ sung về các hành vi bị nghiêm cấm như: Cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn chứng chỉ hành nghề kế toán, lập 2 bộ hồ sơ trở lên với dụng ý trục lợi,.... quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của đơn vị kế toán trong việc tổ chức, chỉ đạo công tác kế toán và chịu trách nhiệm về những hậu quả do mình gây ra thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mình, hoặc chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do đơn vị mình thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên,... cũng là những nội dung được chú trọng sửa đổi trong nhóm các điều Luật này.

Thứ hai: Nhóm các điều luật sửa đổi bổ sung nhằm tạo điều kiện tăng cường tính hữu ích của thông tin trên BCTC. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước đối với lĩnh vực kế toán, giám sát của cộng đồng DN và nhà đầu tư

Đây là nhóm sửa đổi, bổ sung về thủ tục hành chính liên quan đến lập, công khai, minh bạch BCTC. Nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, đặc biệt đối với thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ, giữa các văn bản pháp luật về kế toán và pháp luật chuyên ngành như luật về tín dụng, chứng khoán,.... tăng cường tính công khai, minh bạch của BCTC, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Cụ thể:

(i):  Nội dung công khai BCTC DN (Khoản 4, 5, Điều 31 Luật Kế toán): Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh công khai các nội dung sau đây: a) Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; b) Kết quả hoạt động kinh doanh; c) Trích lập và sử dụng các quỹ; d) Thu nhập của người lao động; đ) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

BCTC của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán khi công khai phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán.

(ii): Hình thức và thời hạn công khai BCTC (Khoản 4, Điều 32, Luật Kế toán): Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh phải công khai BCTC năm, trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Trường hợp pháp luật về chứng khoán, tín dụng, bảo hiểm có quy định cụ thể về hình thức, thời hạn công khai BCTC khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đó.

(iii) Kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ (Điều 39, Luật Kế toán): Kiểm soát nội bộ là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra.

Kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ. Ngoài ra, Luật Kế toán 2015 còn sửa đổi, bổ sung những quy định về thi và cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán, cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán... Nhằm đảm bảo sự phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, phù hợp với thông lệ các nước trong khu vực và quốc tế, giúp tăng cường quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán.

Thứ ba: Nhóm các điều luật sửa đổi bổ sung, nhằm tạo điều kiện để phát triển ngành nghề kế toán, nhằm tăng thêm tính minh bạch, công khai và hữu ích của thông tin trên BCTC

Đây là nhóm các điều luật được sửa đổi bổ sung liên quan đến các điều kiện pháp lý cho hành nghề kế toán và cung cấp dịch vụ kế toán, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới nói chung và tài chính, kế toán nói riêng. Theo đó, Luật bổ sung các qui định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, thông qua việc bổ sung các điều kiện về đăng ký hành nghề kế toán (Điều 58- 59), điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (Điều 60), về tiêu chuẩn điều kiện của giám đốc, người đại diện theo pháp luật, các quy định về vốn điều lệ,.... những quy định này, giúp tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ kế toán, bảo về quyền và lợi ích của các DN được cung cấp dịch vụ. Đồng thời, Luật cũng bổ sung một số quy định về nhiệm vụ của tổ chức nghề nghiệp kế toán được tham gia tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán, do Chính phủ quy định. Quy định này sẽ nâng cao được vai trò, vị trí của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, đẩy mạnh sự phát triển của hội nghề nghiệp. Từ đó, góp phần tăng thêm tính minh bạch, công khai và hữu ích của thông tin trên BCTC của các DN, thông qua các hợp đồng dịch vụ kế toán.

Trên đây là những tổng kết có tính khái quát về những thay đổi căn bản trong Luật Kế toán 2015, liên quan đến trình bày và công bố thông tin trên BCTCDN. Bộ Tài chính cần sớm sửa đổi, ban hành thêm các văn bản dưới Luật Kế toán và các chuẩn mực kế toán, áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh; kế toán công Đồng thời, sớm có lộ trình cụ thể trong việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế ở Việt Nam. /.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính (2013), Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến 2020 - Tầm nhìn 2030.

2. Đoàn Vân Anh (2016), Luật Kế toán Việt Nam thời kỳ hội nhập - những vấn đề cần hoàn thiện, Hội thảo khoa học quốc tế: Kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Cơ hội và thách thức, Đại học Thương Mại, 2016.

3. Luật Kế toán Việt Nam số 03/2003/QH11 ban hành ngày 17/6/2003.

4. Luật Kế toán Việt Nam số 88/2015/QH13

5. Vũ Thị Kim Anh (2017), Hoàn thiện hệ thống BCTCDN Việt Nam theo Luật Kế toán 2015, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, ĐH Công Đoàn.

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) – Bài viết của TS. Vũ Thị Kim Anh -  Đại học Công Đoàn

Xem thêm
Vận dụng mô hình Kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam

Vận dụng mô hình Kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam

Hoàn thuế GTGT phát sinh cho giai đoạn trước khi sản phẩm thuộc diện không chịu thuế GTGT

Hoàn thuế GTGT phát sinh cho giai đoạn trước khi sản phẩm thuộc diện không chịu thuế GTGT

Nộp thuế điện tử với cá nhân có tài sản cho thuê: Tiện ích đa chiều

Nộp thuế điện tử với cá nhân có tài sản cho thuê: Tiện ích đa chiều

Ảnh hưởng của Kế toán Nợ khó đòi đến Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp

Ảnh hưởng của Kế toán Nợ khó đòi đến Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp

Việt Nam nên đổi “ văn hóa đóng thuế

Việt Nam nên đổi “ văn hóa đóng thuế"

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh