Trao đổi về nội dung môn học kế toán tài chính doanh nghiệp

* TS. Đinh Phúc Tiếu

* Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

 

Tóm tắt

Kế toán tài chính doanh nghiệp (KTTCDN) là một môn khoa học kế toán cơ bản và quan trọng, trong chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Ngoài ra, KTTCDN còn được đào tạo cho nhiều đối tượng sinh viên thuộc khối ngành kinh tế. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa thì chức năng và nhiệm vụ của các doanh nghiệp (DN) luôn được quyết định bởi cấp trên, thông qua các chỉ tiêu kế hoạch. Cho nên, nếu DN có chức năng sản xuất thì chỉ hoạt động sản xuất, nếu DN có chức năng làm thương mại thì chỉ hoạt động phân phối,… Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường hiện nay, mỗi DN có thể thực hiện nhiều hoạt động liên quan.

Từ khóa: kế toán tài chính doanh nghiệp, đào tạo kế toán, chương trình đào tạo kế toán, nội dung môn học kế toán.

Abstract

Accounting Financial Business is one of the basic accounting sciences, which is a crucial module in the specialized Accounting and Auditing Curriculum. Besides,  Accounting Financial Business has been trained for many economic students. In a plan Economy, the functions and tasks of Enterprises are always decided by their State through planned targets, so, if the Enterprise has a production function, it will only produce activities or if Enterprise has a business function, it will only distribute. However, in today's market economy, each Enterprise can be many related business activities.

Keyword: financial Accounting Business, Accounting Training, Accounting Curriculum, Accounting Content Module.

JEL: I20, I22, M40, M49.

Đặt vấn đề

DN là một thực thể của nền kinh tế quốc dân, vận hành theo cơ chế thị trường. Điều 7 Luật DN Việt Nam quy định rõ, mỗi DN có quyền đăng ký kinh doanh đa ngành nghề. Theo đó, một DN hiện nay có thể vừa hoạt động sản xuất, vừa hoạt động mua bán hàng hóa, lại vừa hoạt động đầu tư, kinh doanh  dịch vụ… Xét về mặt chế độ kế toán DN hiện hành do Bộ Tài chính ban hành, qua nhiều thông tư hướng dẫn khác nhau, suy đến cùng cũng chỉ có một hệ thống tài khoản thống nhất sử dụng cho mọi loại hình DN. Vấn đề đặt ra là kết cấu (nội dung) môn học KTTCDN tại nhiều cơ sở đào tạo hiện nay vẫn chỉ chủ yếu tập trung vào nội dung của kế toán hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp, điều này có bất cập hay không?. Theo chúng tôi là chưa thật hợp lý cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu của các đối tượng sinh viên, không chỉ với sinh viên chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán  mà còn cho cả sinh viên các chuyên ngành khác thuộc khối kinh tế. Từ các phân tích trên, theo chúng tôi cần phải có các nghiên cứu kỹ hơn cả về lý luận và thực tiễn, nhằm sớm đổi mới kết cấu nội dung môn học KTTCDN, sao cho phù hợp với cơ chế quản lý tài chính DN hiện nay, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo, đây là một vấn đề cần thiết, hiệu quả và có tính thực tiễn cao.

Kết quả nghiên cứu

Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) tại các DN trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay

Thoát khỏi cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp, Việt Nam chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường. Với một nền kinh tế nhiều thành phần, các DN tại Việt Nam hiện nay thường tổ chức sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề với nhiều loại hình hoạt động khác nhau. Một DN sản xuất cũng có thể hoạt động kinh doanh thương mại và ngược lại. Tại một thời điểm, mỗi DN có thể vừa tổ chức hoạt động sản xuất, hoạt động đầu tư, hoạt động thương mại, hoạt động kinh doanh dịch vụ,… Trong quá trình kinh doanh, DN có thể linh hoạt chuyển đổi hoặc gia tăng hình thức hoạt động, ví dụ một mặt bằng nhà xưởng sản xuất hôm nay, có thể trở thành mặt bằng kinh doanh thương mại trong ngày mai. Một người công nhân sản xuất hôm nay của DN, có thể ngày mai họ lại chính là nhân viên kinh doanh dịch vụ cũng của chính DN đó,… Nguồn tài chính của mỗi DN cũng có thể thường xuyên được chuyển đổi một cách linh hoạt, cho các nhu cầu hoạt động kinh doanh khác nhau. Với sự cởi mở của luật pháp, đã làm cho cơ chế hoạt động tài chính của các DN có tính linh hoạt cao, qua đó đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho công tác kế toán là luôn phải được làm mới, luôn phải sẵn sàng phục vụ cho loại hình DN có tổ chức nhiều loại hoạt động SXKD  khác nhau.

Thực tế nội dung môn học KTTCDN

Hiện tại, nội dung môn học KTTCDN đang được giảng dạy cho sinh viên tại một số trường, cũng như một số cơ sở đào tạo có kết cấu khác nhau, nhưng nhìn chung, bao gồm 06 chương cơ bản là kế toán nguyên liệu vật liệu, công cụ, dụng cụ; kế toán tài sản cố định; kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương; kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm; kế toán doanh thu/bán hàng và xác định kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính.

Về nội dung

Tại các chương, mặc dù các mục, tiểu mục đã khái quát khá đầy đủ về nội dung cần thiết của hoạt động kinh tế tại các DN, đưa ra các tình huống phát sinh các nghiệp vụ kinh tế và trình bày các phương pháp cơ bản của hạch toán kế toán, như là: các phương pháp nhận diện, tập hợp, tính giá, phân bổ, kết chuyển chi phí, xác định kết quả,… Tuy nhiên, khi xem xét kỹ về kết cấu, nội dung chi tiết các mục, tiểu mục, các tình huống kinh tế, có thể nói nội dung cơ bản của môn học vẫn chỉ tập trung vào kiến thức kế toán các hoạt động sản xuất trong ngành công nghiệp.

Những bất cập giữa nội dung đào tạo môn học và yêu cầu của thực tiễn

Từ những phân tích thực tiễn nêu trên, tại mỗi thời điểm kinh doanh, mỗi DN Việt Nam có thể tổ chức nhiều loại hình hoạt động: sản xuất, đầu tư, thương mại, dịch vụ,… nhưng nội dung môn học KTTCDN lại vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp là chưa được hợp lý. Đối với sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán sau khi học môn KTTCDN, sinh viên còn được học các môn kế toán khác bổ sung cho KTTCDN, như kế toán chi phí, giá thành các hoạt động sản xuất và kế toán hoạt động thương mại, dịch vụ. Hiện tại, trong kết cấu, nội dung chi tiết của các môn học xây dựng cho đối tượng này còn một số điểm trùng lặp, các nội dung đó thường là: phân loại chi phí, các phương pháp hạch toán chi phí, các khoản mục, cách thức tập hợp và phân bổ chi phí sản xuất, các phương pháp tính giá thành, kế toán doanh thu/bán hàng và xác định kết quả kinh doanh,… Đối với sinh viên thuộc các ngành khác thuộc khối kinh tế (ngoài chuyên ngành kế toán, kiểm toán): sau khi học môn KTTCDN với thời lượng có số tín chỉ thấp, sinh viên không được học các môn kế toán tài chính 2, kế toán tài chính 3.

Do nội dung môn học KTTCDN nặng về kế toán các hoạt động sản xuất công nghiệp, nên đối tượng này không được tiếp cận với các nội dung rất quan trọng của kế toán các hoạt động khác. Ví dụ như: sinh viên không được nghiên cứu một số nội dung đặc thù của kế toán hoạt động xây lắp (khoản mục chi phí sử dụng máy thi công); tính đặc thù về các khoản trích (theo lương như BHXH, BHYT, BHTN và KPCĐ); tính đặc thù về cách tính trị giá sản phẩm dở dang…); không được nghiên cứu các nội dung đặc thù của kế toán hoạt động thương mại (như cách xác định trị giá mua của hàng xuất bán, cách phân bổ các loại chi phí mua, chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN cho hàng bán ra và hàng còn lại,…). Từ việc thiếu các kiến thức đặc thù, từ các hoạt động khác ngoài sản xuất công nghiệp, nên khi ra trường tiếp xúc thực tế đối tượng này rất khó hòa nhập với cơ chế hoạt động của các DN có đa loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kiến nghị về định hướng xây dựng nội dung môn học KTTCDN

Một là, KTTCDN phải là công cụ phục vụ cho DN hoạt động trong nền kinh tế thị trường, nội dung môn học phải được chi phối bởi cơ chế tài chính DN hiện hành. Đúng vậy, để tồn tại và phát triển trong kinh tế thị trường, các DN không còn chuyên doanh như trước đây, mà họ thường tổ chức nhiều loại hình hoạt động (một chuỗi các loại hình hoạt động để tận dụng tối đa cơ sở vật chất, thế mạnh, gia tăng lợi nhuận, hạn chế rủi ro…) và đương nhiên, nội dung đào tạo môn học KTTCDN cũng phải thay đổi để phục vụ cơ chế mới.

Hai là, thiết kế nội dung cơ bản của môn học KTTCDN theo hướng coi hoạt động sản xuất công nghiệp là hoạt động cơ bản, những nội dungchi tiết của kế toán các hoạt động sản xuất phải được đề cập đầy đủ, có chiều sâu. Tiếp theo đó, kết cấu môn học cũng phải bao hàm nội dung cơ bản của kế toán các hoạt động đầu tư, kế toán các hoạt động kinh doanh thương mại, kế toán các hoạt động kinh doanh dịch vụ,…

Ba là, thiết kế nội dung, phương pháp truyền đạt (giảng dạy) môn học KTTCDN sao cho linh hoạt với mọi đối tượng người học, cụ thể là: đối với sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán, nội dung môn học KTTCDN phải bao quát cả về chiều rộng và chiều sâu kiến thức, cần xác định rõ các nội dung chuyên sâu cần thiết được để lại cho các môn kế toán bổ sung; với các nội dung có phương pháp kế toán tương tự nhau, thì không được trùng lặp giữa các môn học; đối với sinh viên các ngành kinh tế khác, với thời lượng ít hơn chỉ cần trang bị kiến thức rất cơ bản về kế toán theo hướng DN có đa loại hình hoạt động. Đồng thời, có bổ sung thêm các nội dung kiến thức có liên quan đến ngành nghề sinh viên đang học, đặc biệt là tính đặc thù về chi phí sản xuất kinh doanh, đặc thù về phương pháp xác định giá thành, giá vốn,…

Khuyến nghị về nội dung môn học KTTCDN

Như đã phân tích, để phù hợp với thực tế hiện nay, nội dung môn học KTTCDN cần phải được tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, bài bản và phải được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Sau đây là khuyến nghị của chúng tôi, về kết cấu nội dung môn học này, trên cơ sở chỉnh lý bổ sung chương trình hiện tại.

Chương 1. Kế toán nguyên liệu vật liệu, công cụ, dụng cụ và hàng hóa (chương này cần bổ sung thêm các nội dung chi tiết như: kế toán đồ dùng cho thuê, kế toán bao bì luân chuyển và kế toán mua hàng hóa đầu vào của hoạt động kinh doanh thương mại,…).

Chương 2. Kế toán tài sản

cố định.

Chương 3. Kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương.

Chương 4. Kế toán chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm, giá vốn hàng hóa (chương này không đi sâu vào kế toán sản xuất công nghiệp, mà xây dựng theo hướng đưa ra các phương pháp kế toán cơ bản theo các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây lắp; bổ xung phương pháp tính trị giá vốn và phân bổ chi phí mua hàng cho hàng hóa bán ra trong kỳ đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa và đặc điểm chi phí tính giá thành các hoạt động dịch vụ).

Chương 5. Kế toán doanh thu và xác định kết quả kinh doanh.

Chương 6. Báo cáo tài chính.

Trên đây là khuyến nghị về các nội dung cơ bản của môn học, tuy nhiên khi xây dựng nội dung giảng thì tùy theo từng đối tượng cụ thể (sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán hay sinh viên khối ngành kinh tế), tùy theo thời lượng (số tín chỉ cho phép) để có thể đưa ra yêu cầu cho giảng viên: giảng thêm, bỏ qua, đi sâu, nhấn mạnh,… những mục nào, nội dung nào phù hợp với hiệu quả cao nhất.

Kết luận

Trước yêu cầu của đổi mới, sự phát triển liên tục của thực tiễn và sự linh hoạt trong kinh doanh, nhiều thuật ngữ, khái niệm, phạm trù, nội dung trong mỗi môn học phải luôn được nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện như là một tất yếu khách quan. Việc đổi mới nội dung đào tạo môn học KTTCDN, sẽ góp phần hoàn thiện kiến thức lý luận, nâng cao kỹ năng thực hành, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên, giúp sinh viên ra trường là đáp ứng ngay với công việc thực tế đòi hỏi, với khả năng tiếp cận và xử lý tốt các nghiệp vụ kế toán phát sinh tại các DN, ở đó có tổ chức kinh doanh nhiều loại hoạt động khác nhau, đây cũng chính là mục tiêu của đổi mới công tác đào tạo hiện nay. Để thực hiện được mục đích nói trên, bài viết đã phân tích vàlàm rõ thêm thực trạng nội dung môn học KTTCDN tại các cơ sở đào tạo. Trình bày quan điểm của tác giả về một số khái niệm, định hướng, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị về kết cấu nội dung môn học KTTCDN cho phù hợp với cơ chế tài chính DN hiện hành, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cử nhân kế toán, kiểm toán, cử nhân kinh tế. Hy vọng, bài viết, sẽ đóng góp một phần nhỏ cùng các cơ sở đào tạo liên tục nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Tài liệu tham khảo

Quốc hội, (2020), Luật DN 2020 số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020

Quốc hội, (2015), Luật Kế toán 2015 số 88/2015/QH13 ngày 20/10/2015

Bộ Tài chính, (2008), Nội dung và hướng dẫn 26 CMKT Việt Nam, NXB Thống kê, Hà Nội.

Bộ Tài chính, (2015), Chế độ kế toán doanh nghiệp Quyển 1 – Hệ thống tài khoản kế toán - Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính NXB Tài chính, Hà Nội.

Bộ Tài chính, (2016), Thông tư số 133/2016/TT-BTC, ngày 26/08/2016 về Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giáo trình các môn học Kế toán doanh nghiệp, Kế toán sản xuất và Kế toán thương mại dịch vụ của các trường Đại học, các cơ sở đào tạo.

Xem thêm
Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Tổng quan về sự phát triển của các phương pháp kế toán quản trị hiện đại

Tổng quan về sự phát triển của các phương pháp kế toán quản trị hiện đại

Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng kế toán dồn tích tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng kế toán dồn tích tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Trao đổi về tác động của Cách mạng Công nghệ 4.0 trong triển khai công tác kế toán

Trao đổi về tác động của Cách mạng Công nghệ 4.0 trong triển khai công tác kế toán

Kế toán đối với vật tư xuất kho sử dụng tại đơn vị hành chính sự nghiệp

Kế toán đối với vật tư xuất kho sử dụng tại đơn vị hành chính sự nghiệp

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh