Phát triển nguồn lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao


Vấn đề lao động việc làm luôn là vấn đề nóng của nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp (DN). Tại Việt Nam, nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhà nước và DN luôn bị áp lực tài chính với lao động thừa mà lại thiếu. Thiếu những lao động được đào tạo, thừa những lao động dôi dư từ những thời kỳ còn nhiều DN Nhà nước và lao động có tay nghề thấp so với nhu cầu hiện tại hoặc không phù hợp trong môi trường kinh tế, môi trường làm việc mới. Nền kinh tế thế giới đang có những chuyển biến và có những bước nhảy vọt về công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ quản lý và công nghệ trong nhiều lĩnh vực dịch vụ.

Những bước phát triển đó tạo ra nhiều đột phá lớn và ngày càng đi vào chiều sâu, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, tác động mạnh mẽ đến cơ cấu và sự phát triển kinh tế, mở ra triển vọng mới cho mỗi nền kinh tế tham gia phân công lao động tòan cầu. Nhu cầu nhân lực trong nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực kế toán kiểm toán là rất lớn tạo nhiều việc làm kể cả trực tiếp trong ngành và gián tiếp ở các ngành khác. Các ngành nghề biến đổi liên tục, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, yêu cầu kỹ năng tổng hợp thay cho kỹ năng hẹp. Tất cả những điều đó, đòi hỏi trình độ và kỹ năng của nhân lực, của lao động phải không ngừng nâng lên, để phù hợp và bắt nhịp với những nội dung mới, yêu cầu mới của kinh tế - xã hội.

Việt Nam đang trong thời kỳ Dân số Vàng với tỷ trọng dân số lao động trong độ tuổi cao và mức gia tăng hàng năm lớn. Để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia phải dựa vào tri thức, dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật, vào công nghệ. Điều đó cũng có nghĩa là, cần phải phát triển và dựa vào nguồn nhân lực có trí tuệ, được đào tạo và có trình độ nhất định, trình độ cao.

Mục tiêu của Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020, phải là nước công nghiệp tiên tiến, phát triển thị trường dịch vụ, trong đó có dịch vụ tài chính kế toán. Chúng ta đang và sẽ phát triển mạnh các dịch vụ hỗ trợ DN cùng với tạo dựng và đẩy mạnh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành dịch vụ với chất lượng cao. Nhiều Tập đoàn kinh tế, kể cả của Việt Nam và các Công ty xuyên quốc gia đầu tư vào Việt Nam, trên nhiều lĩnh vực đòi hỏi và thu hút nguồn nhân lực lớn. Ngoài lao động là người Việt Nam, chắc chắn sẽ kéo theo làn sóng lao động người nước ngoài vào làm việc, cạnh tranh gay gắt với lao động Việt Nam. Công cuộc cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN mạnh, hiệu quả và hiệu lực rất cần một đội ngũ công chức giỏi, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp tốt, thực hiện xuất sắc và thúc đẩy sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước trong điều kiện hội nhập. Cần tạo dựng và phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động, việc làm đa dạng của đất nước, trong đó có bộ phận lao động trong lĩnh vực tài chính, kế toán trình độ cao để đảm trách được các vị trí cần thiết trong các DN tư vấn, cung cấp dịch vụ, trong các cơ quan Nhà nước và đi làm việc ở nước ngoài.

Theo dự báo nhu cầu về lao động được đào tạo, có trình độ cao sẽ rất lớn. Nhiều ngành nghề mới xuất hiện, yêu cầu mới và ngày càng cao trong họat động của các DN trong nước và các công ty nước ngoài đòi hỏi nhiều lao động có trình độ cao, được đào tạo. Thực tế đặt ra, phải sớm có chính sách đồng bộ phát triển thị trường sức lao động trình độ cao ở nước ta theo hướng:

  1. Một, phát triển thị trường lao động trình độ cao trong mọi thành phần kinh tế, tạo điều kiện để sức lao động - với tư cách là hàng hóa sức lao động - đựơc tự do luân chuyển giữa các thành phần kinh tế, giữa các vùng, miền, các ngành. Chính sách tiền công phải hợp lý. Người lao động nói chung và lao động có trình độ cao phải được trọng dụng, tôn vinh, có môi trường làm việc thích hợp.
  2. Hai, tạo sự gắn kết giữa cung và cầu về sức lao động có trình độ và được đào tạo. Trên cơ sở thừa nhận sự tồn tại khách quan của thị trường sức lao động, cần thừa nhận và tạo điều kiện để thị trường sức lao động trình độ cao phát triển. Lao động có trình độ cao cần có quyền tự do về thân thể, học hành, di chuyển, tự do lựa chọn nghề nghiệp và hành nghề, tự do sử dụng thành quả lao động và tự do thỏa thuận tiền công. Quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, chính là quan hệ cung - cầu về sức lao động. Cần thừa nhận và thấy hết các lực lượng tham gia thị trường sức lao động, trong đó có lực lượng cung sức lao động trình độ cao, bao gồm những người được đào tạo có hệ thống, có khả năng lao động, sẵn sàng tham gia thị trường sức lao động. Họ là những người có khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường sức lao động trình độ cao, chủ động và linh họat sẵn sàng thích nghi với môi trường lao động mới. Lực lượng cầu sức lao động là những người cần sức lao động. Đây là lực lượng chủ động và tích cực của thị trường lao động. Họ có vai trò tạo việc làm, không ngừng mở rộng cầu về sức lao động, trong đó có lao động trình độ cao. Bên cạnh đó, còn có lực lượng môi giới trung gian và lực lượng quản lý, kiểm sóat và điều tiết thị trường sức lao động.
  3. Ba, mở rộng sự tham gia của sức lao động trình độ cao vào thị trường sức lao động ngoài nước. Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở rộng và tạo điều kiện phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế: Hợp tác đầu tư, ngoại thương, hợp tác khoa học kỹ thuật, công nghệ, xuất khẩu chuyên gia kế toán, kiểm toán, di chuyển thể nhân,... Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, quan trọng sẽ là kênh thu hút lao động và giải quyết việc làm có hiệu quả đối với sức lao động tài chính, kế toán trình độ cao. Xuất khẩu lao động là kênh tạo nhiều việc làm cho cả lao động phổ thông và lao động có chuyên môn kỹ thuật. Cần mở rộng xuất khẩu chuyên gia sang các nước đang phát triển. Mở rộng giao lưu hợp tác trong đào tạo, trong hoạt động đầu tư, ngoại thương, tăng cường liên doanh, liên kết trong nghiên cứu khoa học, trong phát huy lợi thế so sánh của từng quốc gia. Chú trọng xuất khẩu lao động tại chỗ dưới hình thức phát triển các dịch vụ cho người nước ngoài tại Việt Nam như: Dịch vụ tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán, đào tạo các chuyên gia kế toán, kiểm toán. Đây là những lĩnh vực rất cần lao động được đào tạo, có tay nghề phù hợp.
  4. Bốn, đa dạng hóa các hình thức giao dịch việc làm, tăng cường quản lý Nhà nước đối với thị trường sức lao động. Nhà nước có vai trò và với tư cách quản lý vĩ mô thị trường sức lao động trình độ cao cần theo dõi, kiểm soát, giám sát và điều tiết cung cầu trên thị trường sức lao động. Nhà nước chủ động tổ chức dự báo cung cầu, biến động của thị trường và công khai hóa mọi thông tin về thị trường cho người lao động và người sử dụng lao động. Nhà nước tạo dựng các quy định pháp lý và các chính sách khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trên thị trường sức lao động và có chế độ hỗ trợ thị trường sức lao động trình độ cao phát triển.

Cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường sức lao động trình độ cao trong thời gian tới.

1. Trước hết, những giải pháp phát triển cầu sức lao động

Công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực trình độ cao để họat động và tiếp cận công nghệ, kỹ năng, phương tiện và phương pháp tiên tiến hiện đại, tạo ra năng suất lao động xã hội cao. Nhiều lĩnh vực mới, ngành nghề mới với công nghệ mới, đòi hỏi đội ngũ lao động được đào tạo và có trình độ tương ứng. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn, công nghệ. Khoa học quản lý, mở rộng thị trường, tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế và từ đó, tạo ra nhiều việc làm có chất lượng cao.

2. Thứ hai, nâng cao chất lượng cung sức lao động trình độ cao.

Để có nguồn lao động trình độ cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, cần tăng cường và đổi mới hệ thống giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng trực tiếp, phát triển nhanh nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trình độ cao, nhất là các chuyên gia  tài chính, kế toán, kiểm toán đầu ngành. Chuyển mô hình giáo dục sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các ngành học, bậc học. Phát triển mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng nhanh quy mô và tạo chuyển biến căn bản về chất lượng dạy và học. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các hình thức dạy nghề.

3. Thứ ba, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đặc biệt là xuất khẩu lao động kế toán, kiểm toán qua đào tạo nghề, đồng thời nhập khẩu sức lao động có trình độ cao.

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động, nhưng hạn chế xuất khẩu lao động phổ thông, lao động giản đơn chưa qua đào tạo, thiếu tay nghề cần thiết. Tăng dần tỷ trọng lao động xuất khẩu đã qua đào tạo. Muốn vậy, phải chủ động mở rộng mạng lưới đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo. Cần nghiên cứu khảo sát kỹ nhu cầu và yêu cầu của các nước nhập khẩu sức lao động để có sự chuẩn bị và đào tạo cho phù hợp. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi các họat động xuất khẩu lao động tại chỗ, thông qua việc phát triển mạnh các dịch vụ cung cấp cho người nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm các dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán và kê khai thuế,...

4. Thứ tư, mở rộng đối tượng tham gia thị trường sức lao động.

Hiện nay, ở nước ta, tỷ lệ lao động trình độ cao tham gia vào thị trường sức lao động còn rất thấp. Sức lao động trình độ cao chủ yếu nằm ở khu vực hành chính. Cần phải tăng cường thị trường hóa sức lao động trình độ cao ở khu vực sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường sức lao động cao sang khu vực sự nghiệp công ích. Cần áp dụng hàng loạt cơ chế, chính sách thật đồng bộ và tích cực như: Hoàn thiện môi trường pháp lý, đổi mới phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm, giao việc, duy trì họat động của tổ chức nghề nghiệp, quản lý và kiểm soát chất lượng, đạo đức hành nghề, thực hiện chế độ hợp đồng công việc theo thỏa thuận, cơ chế giao khóan biên chế, quỹ lương,...

5. Thứ năm, hoàn thiện môi trường kinh tế vĩ mô và nâng cao hiệu quả, hiệu lực họat động của các tổ chức trung gian.

Môi trường vĩ mô cho thị trường sức lao động trình độ cao gồm: Pháp luật, chính sách thị trường, hệ thống tổ chức và kiểm soát, hệ thống dịch vụ trung gian, môi giới,... Do đó, cần hoàn thiện và phát triển các quy định pháp lý, các hệ thống dịch vụ việc làm, chính sách đào tạo và tuyển dụng, sử dụng lao động trình độ cao, tổ chức, duy trì và công khai hóa thông tin về lao động và thị trường lao động.

6. Thứ sáu, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, đối với thị trường lao động.

Nhà nước trong nền kinh tế thị trường có chức năng thiết lập khung khổ pháp luật tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho mọi chủ thể kinh tế; Hạn chế khuyết tật của kinh tế thị trường; Thực hiện công bằng xã hội và điều tiết kinh tế vĩ mô. Đối với thị trường sức lao động trình độ cao Nhà nước không chỉ nắm cung cầu và sự biến động mà quan trọng hơn là điều chỉnh, hướng dẫn sự vận hành của thị trường, ban hành và thực thi các chính sách đối với người lao động và thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động.

Tóm lại, giải quyết việc làm cho người lao động kế toán, kiểm toán là công việc cấp bách và cần thiết, nhưng phát triển và tăng cường thị trường sức lao động trình độ cao là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết. Đây là đòi hỏi rất bức xúc, không chỉ cho hôm nay mà cho sự nghiệp phát triển lâu dài của đất nước./.   

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của Đặng Thanh Tùng

Xem thêm
Hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của Ngân hàng Thương mại Việt Nam

Hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của Ngân hàng Thương mại Việt Nam

Các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập

Các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập

Bàn về một số thay đổi trong quy định hiện hành liên quan đến kế toán giao dịch cổ phiếu

Bàn về một số thay đổi trong quy định hiện hành liên quan đến kế toán giao dịch cổ phiếu

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Kiểm soát Nội bộ tại các Tập đoàn kinh tế ở các nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho VN

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Kiểm soát Nội bộ tại các Tập đoàn kinh tế ở các nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho VN

Môi trường pháp lý về dịch vụ kiểm toán độc lập ở Việt Nam

Môi trường pháp lý về dịch vụ kiểm toán độc lập ở Việt Nam

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh