Tiếng Anh với sinh viên đại học chuyên ngành kế toán – kiểm toán

Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, với sự hội nhập và toàn cầu hóa thì việc sử dụng tiếng Anh như là một yêu cầu tất yếu của công việc. Học tiếng Anh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên nói chung và sinh viên chuyên ngành kế toán nói riêng. Trong khi đó, khả năng học và sử dụng tiếng Anh của các bạn sinh viên còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để nâng cao khả năng học và sử dụng tiếng Anh của sinh viên chuyên ngành kế toán, bài viết xin chia sẻ một số  vấn đề sau đây:

(1) Thực trạng học  tiếng Anh của sinh viên hiện nay; (2) Một số yếu tố ảnh hưởng khi học tiếng Anh; (3) Xác định mục tiêu, động lực và thái độ của người học; (4) Thông tin về các chứng chỉ chuyên ngành và những điều sinh viên cần biết; (5) Kết luận.

Các bạn sinh viên cần biết rằng, năm thứ nhất chính là thời gian lý tưởng nhất của thời sinh viên để học tiếng Anh. Nhưng phần nhiều sinh viên mới vào đại học (ĐH) lại sai lầm khi cho rằng năm thứ nhất chưa cần học tiếng Anh vì còn nhiều môn học khác phải ưu tiên hơn, còn tiếng Anh thì chờ tới khi ra trường mới cần đến. Nhưng đáng tiếc, tiếng Anh là một môn học đòi hỏi sự tích lũy trong thời gian dài để các kỹ năng sử dụng tiếng Anh mới trở lên thuần thục. Năm thứ nhất và năm thứ hai ĐH thường là những năm học ít vất vả nhất, và đây chính là lúc bạn có thể dành thời gian để học tiếng Anh một cách dài hơi, từ gốc và học một cách bài bản. Rồi đến những năm thứ ba và tư, bạn sẽ bận rộn hơn rất nhiều cho những môn học chuyên ngành kế toán, các bạn còn phải dành thời gian cho việc nghiên cứu, thực hành, thực tập, hay tìm kiếm các cơ hội cho tương lai sự nghiệp. Hãy nhớ rằng, ngay từ năm thứ hai trở đi, tiếng Anh đã phải trở thành một lợi thế đáng tự hào cho bạn, vì những cơ hội giao lưu, nghiên cứu và cả công việc sẽ xuất hiện bất ngờ.

Thực trạng học tiếng Anh của sinh viên hiện nay

Một trong những thực trạng đáng lo ngại hiện nay đối với giáo dục hệ Đại học là tình trạng sinh viên thiếu kiến thức tiếng Anh cơ bản cũng như chuyên ngành (đối với các trường không chuyên ngữ) đang chiếm tỉ lệ rất cao mặc dù đã có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy và học ở nhiều trường ĐH, Cao đẳng. Trong tình hình hiện nay, thực tế để có được một công việc như mong muốn ở tất cả mọi lĩnh vực thì không thể thiếu một trong những điều kiện “tiên quyết” đó là phải có vốn ngoại ngữ - tiếng Anh. Điều này cũng đã và đang góp phần thúc đẩy cho việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường Đại học, Cao đẳng luôn trở nên “nóng”, nhất là trong mấy năm trở lại đây. Từ đó, những đổi mới trong việc soạn sách, giáo trình học, phương pháp giảng dạy và học tập không ngừng được triển khai nhằm mục đích nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên để sau khi ra trường cùng với những kiến thức chuyên ngành kế toán - kiểm toán có được cộng với vốn ngoại ngữ sẽ giúp sinh viên dễ dàng tìm được công việc, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhiều nhà tuyển dụng.

Tuy vậy, bên cạnh những sinh viên có thành tích tốt trong các kỳ thi IELTS, TOEFL và có khả năng giao tiếp thành thạo với người nước ngoài thì còn đa số sinh viên chưa nắm được kiến thức cơ bản lẫn chuyên ngành hoặc nắm khá vững kiến thức nhưng lại không giao tiếp được.

Như vậy. việc học tiếng Anh của sinh viên nhìn chung đang còn nhiều hạn chế và việc học nhiều khi chỉ mang tính chất đối phó với các kỳ thi.

Một số yếu tố ảnh hưởng khi học tiếng Anh

Thứ nhất, thời lượng đào tạo tiếng Anh không đủ để đào tạo cho hết tất cả sinh viên ra trường có đủ khả năng giao tiếp lưu loát đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Thực tế cho thấy, cả giảng viên và sinh viên đều không có đủ thời gian để đào tạo và tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn. Theo (nguồn Báo tuoitre.com). Số liệu khảo sát tại 18 trường ĐH ở Việt Nam cho thấy, điểm bình quân sinh viên năm nhất dao động ở mức 220-245/990 điểm TOEIC, và với mức điểm này sinh viên cần khoảng 360 giờ đào tạo (480 tiết) để đạt được 450-500 điểm TOEIC - mức điểm mà rất nhiều doanh nghiệp đang coi là mức tối thiểu để họ chấp nhận hồ sơ. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Vụ Giáo dục ĐH, thường các trường chỉ có khoảng 225 tiết học tiếng Anh cho sinh viên. Với lượng thời gian ngắn không đủ để giáo viên, sinh viên giảng dạy và tiếp thu đầy đủ cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết hơn nữa số lượng sinh viên trong một lớp lại đông.

Thứ hai, trình độ của sinh viên không đồng đều và có sự khác biệt khá lớn về năng lực tiếng Anh giữa họ. Thường trong một lớp học sẽ bao gồm các trình độ từ sơ cấp (gồm những sinh viên học tiếng Anh lần đầu) đến trung cấp (những sinh viên đã học hệ đào tạo tiếng Anh bảy năm); những sinh viên người thành phố đa phần có trình độ tiếng Anh tốt hơn so với những bạn ở các tỉnh lẻ, vùng nông thôn do được tiếp cận từ nhỏ và được đầu tư hơn. Những lớp học đa trình độ như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho giảng viên, khiến họ khó có thể quán xuyến hết tất cả sinh viên, từ đó gây trở ngại cho cả việc dạy và học. Sinh viên năm nhất khi bước vào trường, có những bạn chưa biết gì về tiếng Anh phải được đào tạo cơ bản ngay từ đầu. Bên cạnh đó, cũng không ít sinh viên có trình độ tiếng Anh cao cấp, vì vậy nếu họ cũng được đào tạo như những sinh viên sơ cấp sẽ rất lãng phí và mất thời gian.

Thứ ba, tình trạng học tiếng Anh ở cấp 3 đã dẫn đến một hệ lụy là khi bước chân vào các trường ĐH - CĐ, nhiều sinh viên gặp trở ngại lớn với môn học này. Nội dung chương trình lại quá tải so với thời lượng cho phép, không đủ để giáo viên chuyển tải cả 4 kĩ năng đến với học sinh mà chủ yếu chỉ được học ngữ pháp và từ vựng, ít được rèn luyện kĩ năng nghe, nói.

Thứ tư, việc đào tạo tiếng Anh ở các trường không chuyên thường vội và chú trọng hơn vào tiếng Anh chuyên ngành trong khi những kiến thức cơ bản thì không nhiều sinh viên nắm vững hết được. Do đó, sinh viên không thể giao tiếp được do không có những kiến thức cơ bản về câu, từ.

Tóm lại, tình trạng học tiếng Anh ở các trường không chuyên ngữ hiện nay đang là điều đáng lo ngại. Việc các sinh viên học ngoại ngữ nhưng không thể sử dụng được đang xảy ra phổ biến. Do đó, dẫn đến tình hình chung là khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên khi ra trường sẽ rất hạn chế và trong môi trường làm việc như hiện nay rất khó đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy, bản thân mỗi sinh viên chuyên ngành kế toán - kiểm toán cần  nhận thức  tiếng Anh của mình hiện nay như thế nào, từ đó có kế hoạch cụ thể cho hiệu quả nhất.

Xác định Mục tiêu và động lực học tiếng Anh

Sinh viên là đối tượng có khả năng nhận thức rất tốt, vì thế chúng ta cần có một mục tiêu. Cần tìm hiểu về các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và hãy đặt cho mình các mục tiêu cụ thể, rõ ràng và quan trọng. Mục tiêu đó phải giúp chúng ta có được những mục tiêu khác trong cuộc sống. Cụ thể, các bạn muốn làm việc tại công ty nước ngoài, nơi có mức thu nhập hấp dẫn hơn các nơi khác, nơi mà làm việc thường xuyên với người nước ngoài, ví dụ như các công ty kiểm toán Big Four, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, thì chắc chắn cần khả năng sử dụng tiếng Anh tốt. Nhưng bao nhiêu là tốt? và trên thực tế để công nhận, các bạn  sử dụng tiếng Anh tốt  thì đó chính là thước đo từ  các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Đối với những công ty như trên, Điểm TOEIC khoảng 600 hay IELTS 5.0 sẽ giúp các bạn dễ dàng hơn trong quá trình phỏng vấn và làm việc. Hoặc các  bạn sinh viên  muốn đi nước ngoài học tiếp thạc sỹ, để nâng cao kiến thức, qua đó cũng để có thu nhập cao hơn. Vậy để đạt được điều này, chúng ta cần có chứng chỉ IELTS tối thiểu 6.0. Tuy nhiên, vấn đề nữa là, vấn đề tài chính, khi gia đình không có điều kiện, thì chắc chắn bạn phải xin được các học bổng mới có cơ hội thực hiện ước mơ đó. Vậy để cạnh tranh học bổng điểm IELTS không chỉ là 6.0 nữa mà có thể phải là 7.0, khi đó ta lại phải cố gắng hơn nữa.

Thông tin về các chứng chỉ chuyên ngành và những điều sinh viên cần biết

Chứng chỉ CPA Việt Nam, CPA là cụm từ viết tắt của Certified Public Accountants, là những người hành nghề kế toán - kiểm toán được công nhận bởi các hội nghề nghiệp của quốc tế hoặc nội địa.

Chứng chỉ CPA Việt Nam là một chứng chỉ hành nghề. Chỉ khi bạn sở hữu chứng chỉ CPA Việt Nam (hay còn gọi là chứng chỉ kiểm toán viên) thì bạn mới trở thành một kiểm toán viên, còn trước đó bạn sẽ được gọi là trợ lý kiểm toán viên. Chỉ những kiểm toán viên mới có quyền điều hành cuộc kiểm toán và ký báo cáo kiểm toán tại Việt Nam.

Chứng chỉ ACCA (The Association of Chartered Certified Accountants) đây là  một chương trình chuyên nghiệp được công nhận giá trị toàn cầu. Chương trình ACCA cân bằng các kỹ năng trong lĩnh vực kinh doanh, kế toán - kiểm toán và  tài chính.

Chứng chỉ CPA Úc: Chứng chỉ CPA Úc là chứng chỉ kế toán - kiểm toán viên hành nghề của úc.  Đây là chứng chỉ uy tín và có giá trị trên nhiều quốc gia lớn trên thế giới, ví dụ như úc, Mỹ, Anh, Hồng Kông ...

Chương trình ICAEW ACA Chương trình ACA là một trong những chương trình học tập và phát triển nghề nghiệp chuyên nghiệp nhất hiện có, được công nhận rộng rãi trong giới kế toán, tài chính và kiểm toán trên khắp thế giới.

Chương trình CFA: Chứng chỉ CFA (tiếng Anh: Chartered Financial Analyst) là một chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực: chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. Chứng chỉ CFA được đánh giá rất cao bởi các công ty, nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức kinh doanh trên toàn thế giới. Chương trình CFA tập trung vào kĩ năng quản lý danh mục đầu tư và phân tích tài chính, áp dụng cho các loại tài sản khác nhau, cũng như cung cấp kiến thức tổng quát trong lĩnh vực tài chính.

Chương trình CIMA:  CIMA (Chartered Institute of Management Accountants) - Bằng CIMA được công nhận rộng rãi trên toàn cầu về quản trị tài chính và quản trị chiến lược. Bằng CIMA cung cấp cho người học kiến thức mang tính thực tế cao giúp họ thành công trong các vị trí quản lý.

Chương trình CIA:  được cấp bởi Hiệp hội Kiểm toán nội bộ IIA (Institude of Internal Auditors), CIA là chứng chỉ Kiểm toán nội bộ công chứng được các nhà tuyển dụng xem như chứng nhận đáng tin cậy trong việc đánh giá năng lực chuyên môn trong kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro doanh nghiệp.

Chương trình CMA: Khóa học Kế toán quản trị Hoa Kỳ - CMA (Certified Management Accountant) là chương trình đào tạo các chuyên gia Cung cấp kỹ năng thiết yếu cho CFO chuyên nghiệp về kế toán quản trị và quản trị tài chính doanh nghiệp. Chứng chỉ kế toán CMA có giá trị toàn cầu, được các tập đoàn đa quốc gia công nhận như Johnson & Johnson, P&G, IBM, Microsoft, Bayer, Shell...

Kết luận

Khi học tiếng Anh, các bạn cần luôn nỗ lực và  quyết tâm, bởi có nhiều người học tiếng Anh, đến những lúc khó khăn, không làm được bài, kết quả vẫn chưa tiến bộ nhiều, hay là quá mệt mỏi, thường nản chí và bỏ cuộc. Do vậy, hãy tìm cho mình động lực học tập phù hợp.

Các bạn sinh viên hãy tỏ ra là người ham học hỏi, đừng giấu những điều mình chưa biết, hãy hỏi thầy, cô, bạn bè nếu không thể tự tìm hiểu được; Hãy tự tin và nghĩ rằng mình không chỉ có thể học được, mà còn học rất tốt ngoại ngữ. Tự tin là rất quan trọng trong giao tiếp, đặc biệt quan trọng khi nói tiếng Anh, chỉ khi chúng ta không sợ sai, không sợ người khác chê cười, chúng ta mới nói trôi chảy, và nói đúng được theo phong cách nói của người bản ngữ; Không được bỏ cuộc, hãy tìm lời giải thỏa đáng cho tất cả các vấn đề còn hoài nghi; Đặc biệt phải luôn luôn tích cực./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Anh Đức - Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh theo phương pháp Do Thái.

2. Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh.

Tài liệu  hội thảo về “Đối sách chuẩn đầu ra theo nhu cầu doanh nghiệp”, do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức 2015

3. Dạy tiếng Anh cho sinh viên không chuyên: Xuất phát điểm thấp, làm sao nâng bậc? - See more at: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2014/12/370865/#sthash.zpUZp9MK.dpuf.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của PGS.TS Mai Thị Hoàng Minh - Ths. Trương Thị Anh Đào * Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh

 

Xem thêm
Nguyên tắc hạch toán ngoại tệ theo Thông tư 133/2016/TT-BTC

Nguyên tắc hạch toán ngoại tệ theo Thông tư 133/2016/TT-BTC

Phương thức hài hòa chuẩn mực quốc tế về kế toán của các quốc gia ASEAN

Phương thức hài hòa chuẩn mực quốc tế về kế toán của các quốc gia ASEAN

Kế toán công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam: từ quy định đến thực tiễn

Kế toán công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam: từ quy định đến thực tiễn

Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014: Hạn chế và vướng mắc trong hạch toán tài sản cố định và bất động sản đầu tư

Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014: Hạn chế và vướng mắc trong hạch toán tài sản cố định và bất động sản đầu tư

Kỹ thuật điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị doanh nghiệp

Kỹ thuật điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị doanh nghiệp

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh