Về áp dụng tỷ giá trong kế toán Thuế Xuất nhập khẩu và Thuế Tiêu thụ đặc biệt theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và Nghị định 08/2015/NĐ-CP


Thông tư 200/2014/TT-BTC thay thế QĐ 15/2006/BTC đưa ra một số quy định mới về việc áp dụng tỷ giá ngoại tệ khi ghi nhận doanh thu, chi phí, Nghị định 08/2015/NĐ-CP  đưa ra quy định về việc áp dụng tỷ giá tính thuế đối với thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) … Sự tồn tại của nhiều loại tỷ giá gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Bài viết nhằm làm rõ nội dung này.

A.    Nguyên tắc áp dụng tỷ giá hạch toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
1.      Các loại tỷ giá hối đoái (sau đây gọi tắt là tỷ giá) sử dụng trong kế toán

Các doanh nghiệp (DN) có nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ phải thực hiện ghi sổ kế toán và lập Báo cáo tài chính theo một đơn vị tiền tệ thống nhất là Đồng Việt Nam, hoặc đơn vị tiền tệ chính thức sử dụng trong kế toán. Việc quy đổi đồng ngoại tệ ra đồng Việt Nam phải căn cứ vào:

- Tỷ giá giao dịch thực tế;

- Tỷ giá ghi sổ kế toán.

Khi xác định nghĩa vụ thuế (kê khai, quyết toán và nộp thuế), DN thực hiện theo các quy định của pháp luật về thuế.

2.      Nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế:

a)      Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:

-        Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi): Là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa DN và ngân hàng (NH) thương mại;

-        Trường hợp hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì DN ghi sổ kế toán theo nguyên tắc:

  • Tỷ giá giao dịch thực tế khi góp vốn hoặc nhận vốn góp: Là tỷ giá mua ngoại tệ của NH nơi DN mở tài khoản (TK) để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn;
  • Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của NH thương mại nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh;
  • Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của NH thương mại nơi DN dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh.
  • Đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các TK phải trả), tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của NH thương mại nơi DN thực hiện thanh toán.

b)      Nguyên tắc xác định tỷ giá ghi sổ:

Tỷ giá ghi sổ gồm: Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh hoặc tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động (tỷ giá bình quân gia quyền sau từng lần nhập).

-        Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh: Là tỷ giá khi thu hồi các khoản nợ phải thu, các khoản ký cược, ký quỹ hoặc thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, được xác định theo tỷ giá tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc tại thời điểm đánh giá lại cuối kỳ của từng đối tượng.

-        Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động là tỷ giá được sử dụng tại bên Có TK tiền khi thanh toán tiền bằng ngoại tệ, được xác định trên cơ sở lấy tổng giá trị được phản ánh tại bên Nợ TK tiền chia cho số lượng ngoại tệ thực có tại thời điểm thanh toán.

-        Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm giao dịch phát sinh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với:

-        Các TK phản ánh doanh thu, thu nhập khác. Riêng trường hợp bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ hoặc thu nhập có liên quan đến doanh thu nhận trước hoặc giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước của người mua (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập).

-        Các TK phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí khác. Riêng trường hợp phân bổ khoản chi phí trả trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ thì chi phí được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận chi phí).

-        Các TK phản ánh tài sản. Riêng trường hợp tài sản được mua có liên quan đến giao dịch trả trước cho người bán thì giá trị tài sản tương ứng với số tiền trả trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước cho người bán (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận tài sản).

-        TK loại vốn chủ sở hữu;

- Bên Nợ các TK phải thu; Bên Nợ các TK vốn bằng tiền; Bên Nợ các TK phải trả khi phát sinh giao dịch trả trước tiền cho người bán.

- Bên Có các TK phải trả; Bên Có các TK phải thu khi phát sinh giao dịch nhận trước tiền của người mua;

c)      Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với các loại TK sau:

-        Bên Có các TK phải thu (ngoại trừ giao dịch nhận trước tiền của người mua); Bên Nợ TK phải thu khi tất toán khoản tiền nhận trước của người mua do đã chuyển giao sản phẩm, hàng hóa (HH), TSCĐ, cung cấp dịch vụ, khối lượng được nghiệm thu; Bên Có các TK khoản ký cược, ký quỹ, chi phí trả trước;

-        Bên Nợ các TK phải trả (ngoại trừ giao dịch trả trước tiền cho người bán); Bên Có TK phải trả khi tất toán khoản tiền ứng trước cho người bán do đã nhận được sản phẩm, HH, TSCĐ, dịch vụ, nghiệm thu khối lượng.

-        Trường hợp trong kỳ phát sinh nhiều khoản phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ với cùng một đối tượng thì tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh cho từng đối tượng được xác định trên cơ sở bình quân gia quyền di động của các giao dịch với đối tượng đó.

d)     Khi thực hiện thanh toán bằng ngoại tệ, tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán ở bên Có các TK tiền

B.     Nguyên tắc áp dụng tỷ giá tính thuế theo Nghị định 08/2015/NĐ-CP

a)      Tổng cục Hải quan phối hợp với NH thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam để cập nhật tỷ giá ngoại tệ mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm hoặc tỷ giá cuối ngày của ngày làm việc liền kề trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ; công bố tỷ giá này trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan và cập nhật vào Hệ thống dữ liệu hải quan điện tử để áp dụng xác định tỷ giá tính thuế cho các tờ khai hải quan đăng ký trong tuần sau liền kề;

b)      Đối với các ngoại tệ không được Hội sở chính NH thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố, Tổng cục Hải quan cập nhật tỷ giá do NH Nhà nước Việt Nam công bố được đưa tin mới nhất trên trang điện tử của NH Nhà nước Việt Nam để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan và cập nhật vào Hệ thống dữ liệu hải quan điện tử để áp dụng xác định tỷ giá tính thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

C.    Kế toán thuế Nhập khẩu, thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu
1. Nhập khẩu hàng hóa, tài sản HH, TSCĐ

Trường hợp 1: Nhập khẩu HH, TSCĐ thanh toán ngay cho người bán

Nợ TK 152, 153, 156, 211...: tỷ giá mua của NH nơi DN giao dịch tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ

Nợ TK 621, 623, 627, 641, 642 (HH không nhập kho, chuyển thẳng cho sản xuất)

Nợ TK 632 (HH không nhập kho, bán ngay)

Nợ TK 635 (lỗ tỷ giá hối đoái)

Có TK 111.2, 112.2: tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động

Có TK 333.3 (thuế nhập khẩu): tỷ giá tính thuế

Có TK 333.2 (thuế TTĐB): tỷ giá tính thuế

Có TK 515 (lãi tỷ giá hối đoái)

Trường hợp 2:

+ Nhập khẩu HH, TSCĐ; chưa thanh toán cho người bán

Nợ TK 152, 153, 156, 211...: tỷ giá bán của NH nơi DN giao dịch tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ

Nợ TK 621, 623, 627, 641, 642 (HH không nhập kho, chuyển thẳng cho sản xuất)

Nợ TK 632 (HH không nhập kho, bán ngay)

Có TK 331: tỷ giá bán của NH nơi DN giao dịch tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ

                        Có TK 333.3 (thuế nhập khẩu): tỷ giá tính thuế

                        Có TK 333.2 (thuế TTĐB): tỷ giá tính thuế

+ Khi thanh toán cho người bán

Nợ TK 331: tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh

Nợ TK 635: (lỗ tỷ giá hối đoái)

                        Có TK 111.2, 112.2: tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động

                        Có TK 515 (lãi tỷ giá hối đoái)

Trường hợp 3: ứng trước tiền hàng cho người bán

+ Khi ứng trước:

Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (tỷ giá bán thực tế tại ngày ứng trước)

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)

Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (theo tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động)

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).

- Khi nhận vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ từ người bán, kế toán phản ánh theo nguyên tắc:

+ Đối với giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ tương ứng với số tiền bằng ngoại tệ đã ứng trước cho người bán, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước, ghi:

Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642/Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tỷ giá thực tế ngày ứng trước).

+ Đối với giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ còn nợ chưa thanh toán tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (ngày giao dịch), ghi:

Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642 (tỷ giá bán giao dịch thực tế tại ngày giao dịch)/ Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tỷ giá bán thực tế ngày giao dịch).

2. Xuất khẩu hàng hóa,  dịch vụ

Trường hợp 1: Khi xuất khẩu HH, dịchvụ

- Phản ánh doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ

+ Xác định được thuế XK phải nộp tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ

Nợ TK 111.2, 112.2. (tỷ giá mua thực tế)

Nợ TK 131 (tỷ giá mua thực tế)

Có TK 511: doanh thu không bao gồm thuế XK (tỷ giá mua thực tế)

Có TK 333.3 (thuế Xuất khẩu): tỷ giá tính thuế

+ Chưa xác định được thuế XK phải nộp tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ

Nợ TK 111.2, 112.2. (tỷ giá mua thực tế)

Nợ TK 131 (tỷ giá mua thực tế)

Có TK 511: doanh thu bao gồm thuế XK

Định kỳ, tính thuế XK phải nộp, ghi giảm doanh thu

Nợ TK 511/Có TK 333.3 (tỷ giá tính thuế)

* Khi nhận trước tiền của người mua bằng ngoại tệ để cung cấp vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ:

- Kế toán phản ánh số tiền nhận trước của người mua theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước, ghi:

Nợ các TK 111.2, 112.2: tỷ giá mua tại thời điểm nhận trước /Có TK 131

- Khi chuyển giao vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ cho người mua, kế toán phản ánh theo nguyên tắc:

+ Đối với phần doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền bằng ngoại tệ đã nhận trước của người mua, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước, ghi:

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tỷ giá thực tế thời điểm nhận trước)/ Có các TK 511, 711.

+ Đối với phần doanh thu, thu nhập chưa thu được tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh, ghi:

Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tỷ giá mua tại thời điểm phát sinh)/ Có các TK 511, 711.

* Khi thu được tiền nợ phải thu bằng ngoại tệ, ghi:

Nợ các TK 111.2, 112.2 (tỷ giá mua thực tế tại ngày giao dịch)

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)

    Có các TK 131, 136, 138 (tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh).

    Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).

D.    Một số điểm bất cập trong việc áp dụng tỷ giá ngoại tệ 
Một là,
theo Đoạn 3a, Mục 1, Điều 69, Thông tư 200 quy định khi DN mua sắm tài sản hoặc phát sinh các khoản chi phí thanh toán ngay bằng ngoại tệ, tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của ngân hang thương mại (NHTM) nơi DN thực hiện thanh toán. 

Hai là, việc quy định nhiều tỷ giá trong việc ghi nhận doanh thu, chi phí, nợ phải trả, nợ phải thu, giá ghi sổ của tài sản gây khó khăn cho các DN trong quá trình thực hiện. Thông tư 200 không quy định chi tiết về tỷ giá áp dụng trong từng nghiệp vụ phát sinh mà còn ghi “tỷ giá thực tế” một cách khá chung chung. Dẫn đến nhiều DN vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng tỷ giá theo quy định của Thông tư 200.
 
E.     Một số kiến nghị trong việc áp dụng tỷ giá ngoại tệ
Một là, khi mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ người mua phải mua ngoại tệ của NHTM nơi DN thực hiện thanh toán để trả cho người bán. Vì vậy, tỷ giá giao dịch thực tế phải là tỷ giá bán của NHTM thì mới phản ánh đúng bản chất của giao dịch.
Hai là, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn nữa trong việc áp dụng tỷ giá nào trong từng trường hợp ghi nhận giá trị tài sản, phát sinh doanh thu, chi phí, và ghi nhận các khoản công nợ./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014

2. Nghi định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015

3. Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015

4.customs.gov.vn/Lists/TuVanTrucTuyen.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của Ths. Nguyễn Thị Mai Lê, Khoa Kinh tế - Đại học Vinh

Xem thêm
Kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất - Từ lý luận đến thực tiễn

Kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất - Từ lý luận đến thực tiễn

Kế toán và kiểm toán Việt Nam hội nhập cộng đồng ASEAN

Kế toán và kiểm toán Việt Nam hội nhập cộng đồng ASEAN

Một số ý kiến về việc vận dụng nguyên tắc giá trị hợp lý vào việc lập và trình bày BCTC ở Việt Nam

Một số ý kiến về việc vận dụng nguyên tắc giá trị hợp lý vào việc lập và trình bày BCTC ở Việt Nam

Làm rõ nguyên tắc xây dựng và hạch toán về thuế và các khoản thu khác xuất nhập khẩu

Làm rõ nguyên tắc xây dựng và hạch toán về thuế và các khoản thu khác xuất nhập khẩu

Hệ thống kế toán doanh nghiệp và những khoảng trống về kế toán môi trường

Hệ thống kế toán doanh nghiệp và những khoảng trống về kế toán môi trường

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh